Xử lý hiện tượng nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm Tôn trọng quyền tự do lựa chọn mua bảo hiểm Chặt chẽ trong quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm |
Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về việc bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, trước thông tin phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn (như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn |
Thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nhằm giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.
“Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm” - Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho hay.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, trong thời gian tới, cùng với các biện pháp đã triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải hướng dẫn, niêm yết, công bố công khai tại trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch về các sản phẩm bảo hiểm, các quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm;
Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động này và việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ưu tiên nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách
Về việc bố trí nguồn vốn cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam: Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có 07 chính sách cho vay ưu đãi/hỗ trợ lãi suất được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có chính sách cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách |
Theo lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tại địa phương khảo sát, xác định nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách.
Mặt khác, Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương đã tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, làm cơ sở phân, giao kế hoạch nguồn vốn tín dụng, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người lao động từ vùng tâm dịch trở về địa phương sinh sống.
Căn cứ vào nhu cầu vốn tổng hợp từ các địa phương và tình hình huy động nguồn vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, đến tháng 6/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giao tăng trưởng các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại các tỉnh, thành phố với số tiền 15.208 tỷ đồng (riêng chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm là 7.000 tỷ đồng) để thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Kết quả đến ngày 22/6/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 6.795 tỷ đồng. Riêng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 5.312 tỷ đồng cho trên 104 nghìn khách hàng, tạo việc làm cho khoảng 125 nghìn lao động.
“Ngân hàng Nhà nước xin ghi nhận ý kiến của Đại biểu và sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.