“Phép vua thua lệ làng”?
Những năm trước đây và cụ thể đầu năm học mới 2022 – 2023 vừa qua việc “lạm thu” lại vẫn tiếp diễn ở một số trường, và câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc thu các khoảng không phù hợp của một số trường học, mà điều khiến dư luận phải bàn tán đó là vấn đề các khoảng thu “trên trời” của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cụ thể, bảng dự trù kinh phí hoạt động năm học 2022 – 2023 của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TP. Hồ Chí Minh vừa qua khiến dư luận bức xúc, khi khoản tiền chi đậm nhất là dành giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu lên đến 45 triệu đồng/năm.
Những khoản dự chi “khủng” để làm quà cho giáo viên,… để “nhờ cô”, “phó thầy” |
Theo đó, trong phần hoạch định để sử dụng số tiền từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 này cho thấy, phần chi chăm cô được liệt kê 27 triệu/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hàng tháng, tức là mỗi tháng là mỗi người sẽ nhận được 3 triệu đồng từ Quỹ hội phụ huynh. Chưa dừng lại ở đó, số tiền Quỹ của hội cha mẹ học sinh còn phải trích thêm các khoản tiền không hề nhỏ để “làm quà” cho Hiệu trưởng, 2 Hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, giáo viên bộ môn và cả bảo vệ, trong các dịp lễ tết, 20/11, 20/10, 8/3. Và tổng số tiền phải chi cho các khoản “buộc phải chi” kể trên lên đến 102 triệu đồng/130 triệu đồng kinh phí dự trù thu từ các phụ huynh lớp 1/3 này.
Vấn đề lạm thụ không riêng chỉ xảy ra ở cấp tiểu học khi các em nhỏ còn “ngây thơ” bước vào một môi trường học tập mới nên các bậc làm cha, làm mẹ phải “nhờ cô”, “phó thầy”. Tương tự vấn đề lạm thu còn xảy ra ở cấp Trung học cơ sở, cụ thể:
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh lại nổi lên vấn đề tương tự của một Ban đại diện cha mẹ học sinh của các em lớp 9. Theo đó, vì là năm học cuối cấp của các con mình tại ngôi trường THCS nên đại diện cha mẹ học sinh một số lớp 9 của trường này dự kiến thu nhiều và chi mạnh cho các hoạt động của lớp và dự kiến thu chi quỹ lên đến 270 triệu đồng. Từ đó, số tiền được dự chi cho các khoản cơ bản, tổng số tiền trong năm hơn 38 triệu đồng; tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm là 2,45 triệu đồng; tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp gần 15 triệu đồng; thuê áo tốt nghiệp 3,3 triệu đồng, tiền điện cả năm 10 triệu đồng…
Đồng thời, Ban đại diện cha mẹ học sinh một số lớp 9 trường này còn dự chi cho phần quà tặng 20/11 và quà tết dự kiến 58 triệu đồng. Trong đó, dự kiến chi 30 triệu đồng để tặng quà ngày 20/11 cho tất cả giáo viên, ban giám hiệu, cán bộ nhân viên nhà trường kể cả bảo vệ, lao công, văn thư, y tế, nhập liệu…
Số tiền còn lại sẽ dự chi cho các hoạt động của học sinh trong năm học với số tiền 174 triệu đồng cho các hoạt động như: làm kỷ yếu 4 năm; liên hoan học kỳ I và học kỳ II; chi cho hoạt động văn nghệ 20/10; photo các môn và tài liệu ôn tuyển sinh lớp 10; phần thưởng cuối năm và quà sinh nhật.
Liên quan đến vấn đề Ban đại diện cha mẹ học sinh của một số lớp 9 về vấn đề thu chi, ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, khẳng định: Dự trù kinh phí hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường không có bất cứ khoản kinh phí nào dành cho thầy cô. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên trao đổi với phụ huynh thực hiện theo nguyên tắc Nhu cầu tới đâu thì thu tới đó, đảm bảo việc thu đủ, chi đủ, cần dùng gì, chi vào hoạt động gì thì mới bàn với phụ huynh và thống nhất. “Vụ việc này là do ban đại diện cha mẹ học sinh tự làm nhưng là người đứng đầu trường, tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND quận đồng thời xin rút kinh nghiệm”, ông Diệu nói.
Không phải nơi nào cũng lạm thu
Trên thực tế không phải trường nào cũng lạm thu bởi vẫn có những trường thực hiện tốt vấn đề về thu chi đầu năm học, nhiều phụ huynh thấy hợp lý và đồng tình.
Cụ thể như Trường thực hành Sài Gòn (quận 10). Chị Lê Phương Hoa, một phụ huynh có con học lớp 9 tại đây cho biết, việc các khoản thu chi tại trường không nhiều, mỗi năm hầu như các khản thu chi đều như nhau không mấy chệnh lệch giữa các lớp nên không có xảy ra vấn đề lạm thu đầu năm học.
Tương tự, anh Đỗ Quốc Tuấn có con học lớp 7, Trường THCS Chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) - cho biết, một năm học chị chỉ phải đóng quỹ phụ huynh 1,5 triệu đồng để cho lớp sử dụng các hoạt động phục vụ việc học tập. Điều đặc biệt là đến cuối năm nếu số tiền Quỹ phụ huynh đó còn dư thì lớp sẽ tổ chức tiệc liên hoan cho các em.
Về phía các trường, ông Dương Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) chia sẻ, trước khi có văn bản cho phép thu của UBND quận cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường sẽ tổ chức họp liên tịch và sẽ công khai hết những khoản dự trù thu chi theo đúng quy định. Sau đó sẽ tiến hành họp toàn thể giáo viên để giáo viên nắm hết và hiểu rõ các khoản thu chi nó như thế nào trước khi tiến hành họp phụ huynh học sinh.
Theo ông Sơn, trường thu với hình thức thông qua tài khoản thẻ, bên cạnh đó nhưng phụ huynh nào còn khó khăn thì trường sẽ tạo điều kiện thu tiền mặt. Trước khi thu các khoảng đó thì nhà trường sẽ tiến hành họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thông báo và thống nhất các khoản thu chi. Sau khi có sự thống nhất nhà trường sẽ tiến hành họp phụ huynh học sinh để lấy ý kiến đồng thuận…
Riêng với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Sơn cho biết, khi trường họp sẽ thống nhất dự trù kinh phí để chăm lo suốt 1 năm các hoạt động cho các em. Theo đó, Ban đại diện lên hoạch dự trù kinh phí đủ để tổ chức các hoạt động trong 1 năm học cho các em. Nhà trường cũng đã lưu ý cho Ban đại diện kêu gọi phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện, tức là phụ huynh đóng góp bao nhiêu là do phụ huynh.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần đặt trách nhiệm lên người đừng đầu mỗi nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để sự việc “lạm thu” đầu năm học xảy ra, và ngay cả khi nó xuất phát từ ban đại diện cha mẹ học sinh. Đồng thời, phải dán thông báo về việc được thu chi các khoản nào đã được Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép thu ngay phòng học mỗi lớp khi tiếp hành học phụ huynh. Qua đó, sẽ dần dần triệt tiêu được vấn đề lạm thu đầu năm học.
Quán triệt ngay từ đầu tại sao không?
Để tránh lạm thu đầu năm học, đầu tháng 10/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn, yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện các công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hồ Chí Minh và của ngành giáo dục thành phố về việc triển khai hướng dẫn thu, sử dụng học phí và thu khác đầu năm học 2022 - 2023; đồng thời phải xây dựng dự toán các khoản thu khác theo nội dung hướng dẫn chuyên môn của ngành.
Theo công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các khoản thu phải được các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định. Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản ngoài quy định. Sử dụng kinh phí phải đúng mục đích và phải có sự thống nhất giữa hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị với ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học; Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.