Nhiều kiến nghị xung quanh 3 gói thầu hơn 135 tỷ đồng
Theo đó, 3 gói thầu số 7, số 8, số 9: Mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 3, 4, 7, 10 và thiết bị khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở); phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ (Trung học phổ thông) thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư; giao Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Kiến Trúc Xanh Việt Nam làm bên mời thầu. Hiện 3 gói đã được mở thầu, thời điểm hoàn thành mở thầu cả 3 gói lần lượt từ 28/9/2024 – 4/10/2024. Tổng giá trị 3 gói thầu là hơn 135 tỷ đồng.
3 gói thầu mua sắm do Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang làm chủ đầu tư còn nhiều điểm cần làm rõ. Ảnh chụp màn hình |
Cụ thể, Gói thầu số 7: Mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 3, 4 và thiết bị khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở). Trị giá gói thầu hơn 45 tỷ đồng, có 4 nhà thầu tham dự thầu.
Gói thầu số 8: Mua sắm trang thiết bị tối thiểu lớp 7 và thiết bị khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở). Trị giá gói thầu hơn 46 tỷ đồng, gồm 4 nhà thầu tham dự thầu.
Gói thầu số 9: Mua sắm trang thiết bị tối thiểu lớp 10 và thiết bị phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ (Trung học phổ thông). Gói thầu có giá 44 tỷ đồng, có 3 nhà thầu tham dự thầu.
Dự án được thực hiện dựa trên Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi số 3326/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang do ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 21/12/2023. Tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương. Mục tiêu của dự án nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành TW Đảng, góp phần nâng chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2025; đồng thời chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo đạt chuẩn quốc gia và đạt nông thôn mới.
Điều đáng nói, từ thời điểm mời thầu đến nay, 3 gói thầu trên ghi nhận hàng loạt văn bản kiến nghị của nhà thầu về việc điều chỉnh, làm rõ Hồ sơ mời thầu (HSMT). Trong đó, trọng tâm là một số yêu cầu như: Kiểm tra và thử nghiệm hàng mẫu; yêu cầu Datasheet hoặc Catalogue kỹ thuật của thiết bị dự thầu; yêu cầu TCVN 6238-3:2011 cùng các yêu cầu kỹ thuật của một số mặt hàng mua sắm được cho rằng chưa phù hợp với quy định chuyên ngành hoặc có tính chất định hướng, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu.
Nhà thầu cho rằng chưa thoả đáng?
Mặc dù bên mời thầu đã phản hồi kiến nghị nhưng nhà thầu cho rằng, bên mời thầu trả lời chưa thỏa đáng khi chưa làm rõ đầy đủ các nội dung phía nhà thầu đề nghị, đa phần dựa trên quan điểm chủ quan, không bám sát theo các quy định của Luật đấu thầu hoặc các Thông tư, Nghị định liên quan, có dấu hiệu làm khó, gây hạn chế nhà thầu.
Nhà thầu cho rằng, những nội dung làm rõ của của bên mời thầu chưa thỏa đáng. Ảnh chụp màn hình |
Cụ thể, Chương V – HSMT quy định nhà thầu nộp trang thiết bị dự thầu để “kiểm tra và thử nghiệm” với nội dung: “Do tính đặc thù của một số trang thiết bị giáo dục, nên trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu nếu được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, thì nhà thầu sẽ được thông báo mời đến địa điểm của bên mời thầu để nộp và kiểm tra, thử nghiệm thực tế trang thiết bị dự thầu. Việc nộp và kiểm tra, thử nghiệm thực tế được thực hiện trong vòng 5 ngày kể từ ngày bên mời thầu phát hành thông báo; Trường hợp kiểm tra, thử nghiệm thực tế có ≥ 1 thiết bị không đúng với thông tin thiết bị mà HSDT đã kê khai dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là có hành vi gian lận...”.
Phản ứng trước yêu cầu này, có đến 3 nhà thầu đồng loạt gửi văn bản kiến nghị, các nhà thầu cho rằng, bên mời dùng từ ngữ “kiểm tra và thử nghiệm” về bản chất, yêu cầu nêu trên chính là yêu cầu về hàng mẫu, là tiêu chí trực tiếp gây bất lợi, khó khăn đối với các nhà thầu, nhất là ở giai đoạn dự thầu, điều này trái với quy định tại Điều 26 của Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đáng nói hơn, yêu cầu này được đưa ra đối với nhà thầu sau khi đã được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, điều đó thể hiện sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Theo các nhà thầu, ngoài những thiết bị điện - điện tử và thiết bị bộ môn có giá trị lớn, thì mặt hàng tranh - ảnh cũng phát sinh chi phí rất lớn để tạo ra hàng mẫu, đặc biệt, quy trình in offset rất phức tạp và tốn rất nhiều chi phí, ước tính để sản xuất hàng mẫu cho 33 danh mục tranh ảnh tại HSMT, nhà thầu có thể phải chi trả đến hàng trăm triệu đồng.
“Việc phải chuẩn bị và vận chuyển một số lượng lớn trang thiết bị để kiểm tra trong thời gian ngắn gây áp lực rất lớn đối với các nhà thầu trong giai đoạn dự thầu. Đặc biệt, việc nhà thầu phải chuẩn bị và vận chuyển thiết bị đến địa điểm kiểm tra trong vòng 5 ngày gây tăng chi phí vận chuyển và bảo quản, làm tăng giá dự thầu. Điều này sẽ trực tiếp làm tăng giá dự thầu để bù đắp cho các chi phí phát sinh không cần thiết này, đặc biệt là những nhà thầu ở miền Bắc như chúng tôi”, một nhà thầu phân tích.
Về yêu cầu cung cấp bản gốc hoặc bản chính của Datasheet hoặc Catalogue kỹ thuật của thiết bị dự thầu có xác nhận của nhà sản xuất, các nhà thầu phản ứng yêu cầu này hoàn toàn bất khả thi, có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho nhà thầu khác gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
“Các tài liệu này có thể đã được cấp độc quyền cho một nhà thầu từ trước, nhằm tạo lợi thế tối đa cho nhà thầu được “chỉ định”. Đây có thể là nội dung bên mời thầu làm khó những nhà thầu có giá dự thầu cạnh tranh trong quá trình đánh giá E-HSDT”, một nhà thầu thông tin.
Ngoài ra, nhà thầu yêu cầu làm rõ cơ sở nào bên mời thầu yêu cầu một số hàng hóa phải đáp ứng TCVN 6238-3:2011. Nhà thầu cho rằng, có sự phi lý khi E-HSMT chỉ yêu cầu một số hàng hóa nhất định, trong khi những hàng hóa khác có cùng chủng loại, mục đích sử dụng thì không yêu cầu.
Liên quan đến nội dung này, bên mời thầu giải thích TCVN 6238-3:2011 được áp dụng đối với “Đồ chơi trẻ em”. Trong khi đó, các trang thiết bị được mua sắm tại 3 gói thầu trên là “Trang thiết bị dạy học tối thiểu” cho trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định tại các Thông tư 37/2011/TT-BGDĐT, 38/2011/TT-BGDĐT và 39/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ đầu tư và bên mời thầu nói gì?
Phản hồi kiến nghị của các nhà thầu, ông Thái Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Kiến Trúc Xanh Việt Nam (bên mời thầu) khẳng định, việc yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm thực tế để chứng minh trang thiết bị dự thầu của nhà thầu đúng theo thông tin nhà thầu đã kê khai, với mục đích là lựa chọn các trang thiết bị giáo dục đúng và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, cũng chứng minh khả năng cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, tiến độ của gói thầu. Việc kiểm tra, thử nghiệm thực tế sẽ thực hiện một cách công khai, minh bạch, công bằng, công tâm (không có bất kỳ yếu tố nào làm khó nhà thầu hoặc làm hạn chế nhà thầu tham dự gói nhầu này).
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, nhà thầu liên tục đưa ra các yêu cầu điều chỉnh không hợp lý cho 3 gói thầu dù đã được giải thích rõ ràng. |
Chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc yêu cầu nhà thầu nộp trang thiết bị dự thầu để “kiểm tra và thử nghiệm”, bên cạnh rủi ro làm phát sinh chi phí cho nhà thầu khi chưa xác định được khả năng trúng thầu, thì vấn đề khách quan, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh hay không khi đánh giá, kiểm định hàng mẫu cũng khiến các nhà thầu phải đặt dấu chấm hỏi.
Liên quan đến phản hồi của nhà thầu, trao đổi với Vuasanca , ông Thiều Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hiện 3 gói thầu nêu trên đang được tiến hành chấm thầu. Chúng tôi nhận được nhiều văn bản kiến nghị từ các nhà thầu, nhưng thực tế chỉ có một nhà thầu liên tục đưa ra những kiến nghị không hợp lý. Nhà thầu này đã kiến nghị loại bỏ một số yêu cầu mà họ không đáp ứng được, họ cho rằng HSMT có hàng hóa độc quyền không thể chứng minh, trong khi đó, bên mời thầu đã giải thích đó không phải là hàng hóa độc quyền, thậm chí bên mời thầu đã gửi đường link tham khảo. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn cố tình duy trì các kiến nghị của mình", ông Thiều Văn Nam cho biết.
Ngoài ra, ông Thiều Văn Nam cũng cho rằng, gói thầu trên có nhà thầu bỏ giá khá thấp, nếu giá cạnh tranh, sản phẩm đúng yêu cầu thì rất tốt. Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đang e ngại tình huống có thể nhà thầu bỏ giá thấp rồi cung cấp hàng hóa kém chất lượng...