BIDV trao 17 tỷ đồng giải thưởng chương trình “Tết đắc lộc - Xuân sum vầy” |
Hàng hóa đủ cả, bánh chưng, mứt, kẹo. Có cả lá dong tươi để phục vụ khách muốn trực tiếp gói bánh chưng với mong muốn hướng dẫn cho con cháu, các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở Pháp biết về một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chị Thu Hà kể: Năm nay là cái Tết thứ tư của chị ở Pháp. So với năm đầu thì giờ đây Thu Hà đã không còn bỡ ngỡ khi đi mua sắm đồ hay da diết nhớ quê. “Tôi theo chồng qua Pháp từ năm 2018. Lúc mới sang đây, tôi nhớ da diết hương vị Tết quê nhà, nhớ lúc được cùng mẹ đi chợ mua đồ Tết, chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo, hồi hộp chờ đến lúc giao thừa... Còn sang đây, Tết đã bớt náo nức hơn, dù vậy mâm cơm của kiều bào vẫn đủ đầy món ăn mang đậm phong vị truyền thống của người Việt; các nghi thức, phong tục tập quán ngày Tết vẫn được người Việt nơi đây giữ gìn” - chị Hà cho biết.
Một điều thú vị là chồng chị Hà vốn là người Pháp, trước đây chưa bao giờ quan tâm đến Tết cổ truyền của người Việt, anh và gia đình chỉ ăn Giáng sinh và Tết tây. Tuy nhiên, khi có vợ là người Việt - Aymeric Garin Nguyễn đã cảm nhận được rằng, Tết Việt thật nhiều điều ý nghĩa. Anh hăng hái không kém gì vợ trong mua sắm, trang hoàng nhà cửa. “Ngày Tết, nhờ có vợ mà tôi được biết bao nhiêu là món ăn hấp dẫn cổ truyền Việt Nam như: Bánh chưng, bánh dày, củ kiệu, thịt kho trứng…”, Aymeric Garin Nguyễn - chồng chị Thu Hà cho hay.
Tương tự, với gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, rời Việt Nam đến Pháp lập nghiệp đến nay đã gần 50 năm, nhưng ông Tuấn chưa bao giờ quên mình là một người Việt và tâm hồn luôn hướng về quê hương.
Sum vầy dịp Tết |
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuấn lại tất bật đi chợ mua gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt tre… những thứ nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng. Ông Tuấn cho biết, năm nay dịch bệnh đã dần được kiểm soát, hàng hóa đã lưu thông nên không khó để tìm mua nguyên liệu gói bánh chưng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhớ lại những cái Tết khi xưa, ông Tuấn cho biết, trước năm 1975, không có chợ Tết như bây giờ, chỉ có vài cửa hàng bán đồ châu Á. Những người như chúng tôi sang đây học, rồi đi làm suốt nên cũng không có thời gian để chuẩn bị chu đáo như bây giờ. Có đón Tết thì chỉ nấu một vài món rồi thắp hương tổ tiên, không làm mứt hay gói bánh chưng, không múa hát rộn ràng, không được đi lễ chùa đầu năm... Khi đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt, phong trào Việt kiều đấu tranh cho quê nhà lên cao. Tết trong giai đoạn này là cơ hội để bà con quây quần, không chỉ vui đón năm mới mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước trong đồng bào, có cả bạn bè Pháp đến chia vui. Rồi báo chí bắt đầu đưa tin về Tết Việt và được nhiều người biết tới. Tết hòa bình năm 1973, Tết dân tộc năm 1974 hay Tết thống nhất năm 1975 đều để lại cảm xúc mạnh mẽ trong lòng những người xa quê khi được xem những màn trình diễn múa cờ bừng khí thế chiến thắng, hay những làn điệu dân ca mượt mà, những ca khúc xuân như hòa cùng nguồn cảm xúc đón năm mới...
Cộng đồng người Việt tại Pháp tụ họp gói bánh chưng đón Tết |
So với các nước khác, cộng đồng người Việt tại Pháp có nhiều khác biệt về thành phần cũng như lịch sử ra đời. Tuy đến Pháp trong những giai đoạn khác nhau và phải bươn chải lo toan cho cuộc sống ở xứ người, nhưng phần đông vẫn gìn giữ tập tục và bản sắc văn hóa của người Việt, đặc biệt thể hiện rõ trong nét sinh hoạt truyền thống của ngày Tết, ngày sum họp của mọi gia đình, của cộng đồng người Việt.
Một năm cũ qua đi, năm mới lại về, người Việt trên đất Pháp chờ đón thời khắc thiêng liêng trong niềm thương nhớ người thân, bà con ở quê nhà. Sau những biến cố lớn trong năm qua trên đất Pháp, một năm mới đến với những hy vọng về một sự khởi đầu mới trong bình an và hạnh phúc.