Làng bánh tét Trà Cuôn |
Bà Nguyễn Thị Cúc- với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề bánh tráng tại An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu- cho biết, để có chiếc bánh tráng ngon, thơm, 50% được quyết định bởi thời tiết nắng nhiều hay không, 50% còn lại là ở các công đoạn chọn gạo, ngâm gạo và pha bột. Những ngày cận Tết, nhu cầu bánh tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, vì vậy, nhiều gia đình phải thức từ 3 giờ sáng, người thì xay bột, người thì nhóm lò, người chuẩn bị phên liếp… và cùng xắn tay tráng bánh. Bánh tráng được làm ở An Ngãi hoàn toàn thủ công, từ công đoạn chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, pha bột cho đến tráng bánh đều cần đến bàn tay lao động của người làm nghề. So với các ngành nghề khác thì thu nhập này không cao nhưng rất ổn định. Làng bánh tráng An Ngãi vinh dự được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận là làng nghề truyền thống, từ sự công nhận này sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm làng nghề, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhộn nhịp nhất vào mỗi độ xuân về, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành- huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) lại xuôi ngược đưa các loại hoa kiểng đi khắp mọi miền của đất nước. Ở Cái Mơn, hoa kiểng nhiều nhất là cúc mâm xôi, vạn thọ, mai vàng, cúc đại đóa, cẩm chướng, hồng nhung… Đặc biệt ở Cái Mơn có tới hơn 3.000 hộ trồng mai vàng. Hàng năm, các hộ trồng hoa thuê xe, ghe chở hoa kiểng đi bán trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là bán mai vàng, mỗi cái Tết, mỗi gia đình cũng kiếm được 50- 70 triệu đồng. Ở Bến Tre, mỗi khi Tết đến, nhà nhà, người người đều sử dụng bánh tráng, bánh phồng. Loại bánh này trước kia các gia đình đều tự làm, ngày nay, do công việc quá bề bộn, hơn nữa để làm ra từng cái bánh tốn nhiều công sức nên người dân chỉ mua sử dụng. Thế là làng nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ngày càng phát triển.
Một trong những món ăn không thể thiếu của người dân Nam bộ trong ngày Tết là bánh tét. Vào những dịp như Tết Nguyên đán của người Việt hay Oóc Om Bok, Đôn Ta, Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam bộ, sản phẩm này luôn có trên mâm cổ lễ… Nổi tiếng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long phải nói đến làng bánh tét Trà Cuôn (cách trung tâm TP. Trà Vinh khoảng 12 km). Ở ấp Trà Cuôn có trên 124 hộ tham gia sản xuất, cung cấp nguyên liệu, bán sỉ, lẻ bánh tét, chiếm 33% dân số trong toàn ấp.
Làng nghề bánh tráng |
Các làng nghề truyền thống đóng góp không nhỏ vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhiều địa phương. Để các làng nghề phát triển bền vững, rất cần nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nghiên cứu khoa học, tăng cường sản xuất - kinh doanh và phát triển du lịch kết hợp với các làng nghề. |
Để làm được đòn bánh tét ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu đầu đem nếp đi vo (khoảng 6- 7 nước), để cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước lá rau ngót (loại rau ngót dùng nấu canh) để tạo màu tươi và có mùi thơm. Thịt nạc, mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính làm nhân bánh tét. Nếp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay và có “bí quyết” đã làm nên nét đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn. Việc xây dựng thương hiệu, giữ uy tín và chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh thực phẩm đã được người làm nghề ở đây ý thức hơn bao giờ hết. Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn bảo quản được lâu (7- 8 ngày). Nhiều người còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận “trời tây” để kiều bào thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà. Vào các ngày lễ, Tết, bánh tét Trà Cuôn rất chạy hàng. Con đường hình thành một thương hiệu bánh tét “Made in Trà Cuôn” đang phát triển rất tốt.
Những ngày cuối năm, làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp tràn ngập sắc xuân. Cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền đưa hoa đi các tỉnh, thành phố. Làng hoa Sa Đéc nằm bên bờ sông Tiền là một trong những trung tâm hoa cảnh của vùng Nam bộ, với khoảng trên 300 hộ gia đình chuyên trồng hoa, cây cảnh. Năm 2014 vừa qua, theo Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa Hà Lan và Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp Hà Lan đã đến Sa Đéc thảo luận về chiến lược phát triển thành phố hoa Sa Đéc. Theo đó, phía Hà Lan sẽ tư vấn về định hướng, chiến lược phát triển TP. Sa Đéc trở thành thành phố hoa hiện đại, quy mô lớn; tư vấn xây dựng và phát triển các mô hình tiên tiến trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm hoa kiểng; nâng cao giá trị để tạo sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế; xây dựng thương hiệu hoa kiểng Sa Đéc đặc thù để quảng bá hình ảnh địa phương.
Làng hoa Sa Đéc |