Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc: Xu thế tất yếu lan tỏa văn hóa đọc
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với phát triển văn hóa đọc; đồng thời ghi nhận đóng góp của người làm sách với phát triển văn hóa, xã hội; đặt ra trách nhiệm cao hơn nữa cho cơ quan quản lý trong phát triển văn hóa đọc.
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng hơn nữa |
Hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay hướng đến 2 chủ đề lớn, đó là: Xuất bản và văn hóa đọc với công cuộc chuyển đổi số; xuất bản và phát triển văn hóa đọc để nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.
Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến, chuyển đổi số trở thành điều kiện bắt buộc trong ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành “cú huých”, cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.
Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Xuất bản số trong phát triển văn hoá đọc”, diễn ra mới đây, các chuyên gia đã nhận định: Chuyển đổi số là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm, trao đổi của các lãnh đạo cùng các đơn vị xuất bản, phát hành.
Chuyển đổi số sẽ là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành xuất bản, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông, phân phối qua các nền tảng, hệ thống cung cấp sách điện tử.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số là xu thế chung của tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Đây là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Khi bắt đầu xuất hiện các tác phẩm điện tử, nhiều người lo lắng về việc sẽ kết thúc kỷ nguyên của sách in. Thực tế tại các nước trên thế giới cho thấy, dù số lượng phát hành tác phẩm điện tử tăng lên nhưng số lượng sách in không giảm đi. Đây là sự phát triển trong tương tác, chứ không phải thay thế.
Dưới góc độ nhà xuất bản, bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc Nhà xuất bản Công Thương - cho biết, trong bối cảnh số hóa toàn cầu, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Mỗi nhà xuất bản cần xây dựng một định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp nhu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Minh Huệ cũng bày tỏ quan điểm, muốn phát triển văn hóa đọc thì cần phát triển đồng bộ các yếu tố như: Nhà quản lý, cộng đồng xã hội, cá nhân, đẩy mạnh truyền thông quảng bá.
Bởi trên thực tế, nhà quản lý là những người định hình lên hành lang pháp lý, chính sách đường lối. Cộng đồng xã hội là các tổ chức tạo nên những giải thưởng sách, ngày sách và tôn vinh sách. Các cá nhân là trọng tâm và mục đích cuối cùng cho việc phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá sách góp phần khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng và tạo thói quen đọc sách từ trong nhà trường, doanh nghiệp, xã hội…
Theo giới chuyên gia, trong gia đình, cha mẹ đọc cho con nghe trước khi ngủ, ngay cả khi trẻ chưa đầy 1 tuổi, là cách thức xây dựng thói quen đọc trong tiềm thức của trẻ. Ngoài ra trẻ còn học bằng cách quan sát, nên đối với trẻ em lứa tuổi mầm non hay tiểu học, cha mẹ nên duy trì việc đọc sách, báo và để trẻ quan sát điều đó.
Để phát triển phong trào đọc sách, truyền thông nên tránh những cách nói khiến mọi người hiểu đọc là phải cầm quyển sách giấy lên đọc mà bỏ qua việc nhiều bạn trẻ có thể chỉ nghe sách (audiobook) hoặc đọc sách điện tử (ebook). Các hình thức sách dựa trên công nghệ, sách tương tác là cách thức tiếp cận nhanh với các em thiếu nhi hay bạn trẻ thích sử dụng mạng.
Từ phía cộng đồng, cần duy trì đều đặn các hoạt động liên quan đến sách chứ không chỉ làm theo phong trào, ngắn hạn.