CôngThương - Sự tăng trưởng ngoạn mục này có sự hỗ trợ lớn từ việc Ủy ban châu Âu (EC) chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam từ ngày 1/4/2011.
Ông Lê Mạnh Hoạch, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Pacifc Bình Dương cho hay, EU hiện là thị trường chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu giày mũ da của Công ty. Sau khi thị trường EU thông thoáng, đơn hàng xuất khẩu mà Công ty nhận được tương đối nhiều. “Gần 7.000 công nhân của chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng giao trong quý III/2011”, ông Hoạch thông tin thêm.
Công ty cổ phần giày Thái Bình, có nhà máy đóng tại Bình Dương, cũng đang nỗ lực điều phối công nhân để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký. Theo ông Trần Ngọc Luân, Phó tổng giám đốc, nhiều thương hiệu giày dép lớn tại EU, Mỹ đã tìm đến để gia tăng lượng đặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên ở các thị trường này”, ông Luân cho biết và khẳng định, khó khăn của doanh nghiệp hiện tại không phải là thiếu đơn hàng, mà là lo hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác.
Tương tự, đơn hàng từ Mỹ đến các doanh nghiệp da giày Việt Nam cũng trong chiều hướng thuận, tăng từ 8-10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu giày dép của Mỹ thường đặt hàng với số lượng lớn, theo hình thức mua đứt, bán đoạn, nên thường chỉ doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 60% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giày dép ở Việt Nam) mới có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) thừa nhận, cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ rất lớn, nhưng không nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được. Hiện chỉ có các thương hiệu giày lớn như Thái Bình, Biti’s, Hữu Nghị… có kế hoạch gia tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ.
Hơn thế, từ đầu năm đến nay, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng trên 20% so với cùng kỳ, giá điện, giá nhân công tăng không nhỏ, đẩy chi phí sản xuất gia tăng mạnh khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, theo ông Luân, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất thông qua đầu tư đổi mới công nghệ lại đang vướng phải khó khăn về vốn. “Ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận lãi suất cao cũng không dễ tiếp cận được với các ngân hàng”, ông Luân băn khoăn…
Với tình hình thị trường và đơn hàng như hiện nay, Lefaso dự báo, trong 6 tháng còn lại, cơ hội để gia tăng xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,9-3 tỷ USD không hề nhỏ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục phải chịu sức ép về nguồn vốn, chi phí cao, đặc biệt là thiếu lao động. Hiện tại, một số doanh nghiệp đang tìm cách phát triển các dòng sản phẩm trung cấp và có tính độc đáo để hấp dẫn khách hàng, tìm kiếm thêm các hợp đồng có giá trị gia tăng cao…