Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự kiến tăng trưởng 8-10%
Doanh nghiệp đang xúc tiến ký đơn hàng quý 4/2024
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí chiều 20/6, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%).
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Namchia sẻ về hoạt động của Tập đoàn. |
Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự khởi sắc xuất khẩu dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với USD kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
Ông Hiếu cũng cho hay, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
Với ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
“Tháng 3/2024, Tập đoàn và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy với giá trị 5 triệu USD", ông Hiếu thông tin.
Ngay trong tháng 7/2024, những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia với 5 nghìn mét vải sẽ được xuất khẩu, tiếp nối là đơn hàng 50 nghìn mét vải cho thị trường Trung Đông và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường khác. “Có thể nói, đây là cơ hội mới cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định”, ông Hiếu cho biết.
Khó đoán định thị trường nửa cuối năm
Chia sẻ về tình hình thị trường dệt may nửa cuối năm 2024, ông Hiếu nhấn mạnh rất khó đoán định. Bởi lẽ, về giá, do năm 2022, 2023 thị trường dệt may quá khó khăn, đã hình thành mặt bằng giá mới và giảm rất sâu tới 20%, thậm chí có mã hàng giảm 50% so với thời điểm trước đó.
Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự kiến tăng trưởng 8-10%. Ảnh: Thu Hường |
Tuy nhiên, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận, trên cơ sở giá tiến hành đổi mới quản trị để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí nhằm sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao nhất.
Đơn hàng đàm phán cho quý 4/2024 chủ yếu doanh nghiệp muốn nâng giá. Từ 1/7 tăng lương tối thiểu, chi phí logistics từ cuối quý 4/2023 đến 6 tháng năm 2024 liên tục tăng cũng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao buộc phải tìm cách nâng giá đầu ra cho sản phẩm.
“Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý 3 và quý 4, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, ông Hiếu nhận định.
Thông tin thêm về định hướng dài hạn với phân khúc vải chậm bắt cháy, chống cháy, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói, trong chương trình hợp tác giữa Tập đoàn và Tập đoàn Coach, giai đoạn 1, toàn bộ sản phẩm vải được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau giai đoạn này, Tập đoàn tập trung làm chủ công nghệ, hiện công nghệ là bản quyền của phía đối tác và chuyển giao. Kết hợp cùng chương trình hợp tác với Tập đoàn Kova cũng về mảng vải kỹ thuật chống cháy, Tập đoàn kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ loại vải kỹ thuật và có nhu cầu rất cao này.
Tháng 7/2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đưa vào vận hành Trung tâm phát triển sản phẩm mới. Đây là trung tâm được đầu tư hiện đại, bài bản và là “mắt xích” quan trọng hướng đến trọng tâm phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim đã định hình trong giai đoạn đến năm 2025. |