Xuất khẩu “đổi chiều” ở nhóm hàng gia công
Một số doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ.
- “Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ”, bản báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 loan đi thông tin đáng lo ngại đối với ngành hàng dệt may. Con số tổng thể từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sau khi thu về hơn 1,5 tỷ USD vào tháng 8 năm nay, hai tháng sau đó dệt may chỉ còn duy trì kim ngạch ở mức khoảng 1,3 tỷ USD/tháng. Hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi nguy cơ khủng hoảng nợ công vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu cải thiện. “Vì thế, hoạt động xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu,… từ các thị trường này”, Bộ Công Thương phát đi cảnh báo. Trong đánh giá của bộ này, các thị trường chủ chốt của dệt may Việt Nam có dấu hiệu trì trệ hơn trong việc đặt các lô hàng mới của quý 1/2012. Thậm chí, hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng cuối năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hướng đến các khách mua hàng mới tại Úc, châu Phi, Canada, Hàn Quốc… là giải pháp được một số doanh nghiệp đang triển khai, nhưng thị trường mới không dễ tăng sản lượng ngay được. Bên cạnh đó, các nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá nên các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, Bộ Công Thương vẽ nên một bức tranh với nhiều mảng xám cho tương lai xuất khẩu dệt may. Nhưng đó không phải là nhóm sản phẩm duy nhất bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn tại châu Âu, hay thị trường bên kia địa cầu, nước Mỹ. Sau 4 tháng liên tiếp, từ tháng 5 đến tháng 8/2011, kim ngạch xuất khẩu da giày ở mức cao, dao động trong khoảng 570-640 triệu USD/tháng, thì từ tháng 9/2011 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ còn đạt hơn 400 triệu USD. Bộ Công Thương lý giải rằng, do lượng đơn hàng chững lại. Không biến động mạnh như các mặt hàng xuất khẩu chủ lực kể trên, nhưng các sản phẩm giấy xuất khẩu cũng có trung tình trạng trì trệ, kim ngạch tháng 10/2011 đã giảm gần 2% so với tháng 9… Khả năng đổi chiều về xu hướng tăng trưởng xuất khẩu ở nhóm hàng công nghiệp có tính gia công như nêu trên đã được cảnh báo từ vài tháng trước. Nhưng việc đồng loạt nhiều mặt hàng “rủ nhau” cùng giảm kim ngạch trong thời gian này là đáng quan ngại, ít nhất là xét về khía cạnh giải quyết việc làm của các lĩnh vực này. Trong hoàn cảnh đó, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ trưởng bộ này, ông Trần Quốc Khánh cho biết: “Chúng tôi vẫn cố gắng đàm phán với nước ngoài để mang về cho chúng ta những thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bớt rào cản thị trường”. Theo ông, trong những ngày tới đây, tại Hội nghị cấp cao APEC, Việt Nam và Chile sẽ chính thức ký một hiệp định FTA (Khu vực mậu dịch tự do), giảm thuế cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực giao thương hàng hóa. Dù là một “thị trường ngách” với dung lượng không lớn, mức thuế bình quân đã thấp (khoảng 6%), được nhìn nhận là sẽ khó tạo đột biến lớn về sức mua cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam, nhưng khả năng hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam là có. “Đây cũng là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, tiếp cận thị trường có thu nhập đầu người rất cao ở khu vực Nam Mỹ”, ông Khánh nói. Cấp dưới của ông tại Bộ Công Thương, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Tạ Hoàng Linh nói với VnEconomy, sang năm 2012 cơ quan này sẽ ưu tiên hơn cho công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. “Định hướng sắp tới là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ những ngành hàng mạnh của quốc gia”, ông cho biết. “Cũng xin nói là chúng tôi chỉ tạo cơ hội, còn nắm bắt nó như thế nào hoàn toàn chông chờ ở sự năng động của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Khánh nói.
VnEconomy