Xuất khẩu gạo quí 1 nhìn đến vụ lúa Hè thu
- Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hợp đồng thương mại ký từ tháng 4 lên đến 900 ngàn tấn. Nếu vậy thì đối mặt với giá nguyên liệu cao như hiện nay sẽ có nhiều hợp đồng ký thời gian giao gấp sẽ phải lui thời gian giao hàng hoặc hủy hợp đồng. Xuất khẩu gạo tháng 3, theo Tổng cục Hải quan đã tăng đột biến, vượt dự kiến, lên đến mức 895 ngàn tấn, cao hơn con số VFA 144 ngàn tấn.
Theo các lập luận thông thường thì đăng ký hợp đồng qua VFA sẽ không nhất thiết bằng với lượng hàng thông quan, do hàng có thể được xuất khẩu trong tháng sau, hoặc có hợp đồng mặc dù đăng ký với VFA nhưng bị hủy không thực hiện.
Nhìn trở lại con số tháng 3 tăng mạnh vì có thể lượng hàng đã đăng ký qua VFA nhưng chưa kịp thông quan nên chuyển từ tháng 2 sang, nhưng nếu tính lũy kế cho quí 1 thì lượng hàng xuất khẩu theo số liệu hải quan là 1,93 triệu tấn, cao hơn so với con số của VFA gần 100 ngàn tấn. Nhìn theo góc độ nào thì lượng hàng xuất khẩu của tháng 3 đã cao đột biến.Nếu so sánh với 3 tháng đầu năm 2010, 3 tháng đầu năm 2011 lượng gạo xuất khẩu tăng 500 ngàn tấn.
Lưu ý thêm là năm 2010 Việt Nam xuất khẩu lượng gạo kỷ lục 6,8 triệu tấn nên hàng tồn kho chuyển sang năm 2011 mỏng. Hai yếu tố này đã làm cho nhu cầu thu gom hàng gấp, đặc biệt trong tháng 2 và 3 đã tạo nên một áp lực lên lượng hàng cung ứng, thúc đẩy và duy trì mức giá lúa gạo nguyên liệu giữ vững cao trong suốt tháng 3 và đến cả gần hết tháng 4, kể cả vụ Đông Xuân vào giai đoạn thu hoạch rộ và cơ bản đã kết thúc.
Khác với cảm nhận ban đầu của chúng tôi về sự ảnh hưởng không lớn của Trung Quốc, số liệu tháng 3 cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc khi nhập khẩu 60 ngàn tấn, trong khi hai tháng 1 và 2 Trung Quốc nhập khẩu chưa đến 10 ngàn tấn.
Xuất khẩu đi Trung Quốc đã bao gồm cả gạo 5% và 15% chứ không phải chỉ gạo thơm như 2 tháng đầu năm. Sự cảm nhận của thị trường về nhập khẩu của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều thông qua nhiều con đường khác nhau chứ không chỉ ở con số nhập khẩu chính ngạch từ hải quan.Quí 1 xuất khẩu gạo tăng mạnh được nâng đỡ bởi hợp đồng Chính phủ. Tỷ trọng hợp đồng Chính phủ đi các thị trường Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Cuba lên đến trên 60%. Trong tháng 3 có thêm 45 ngàn tấn xuất khẩu sang Philippines thực hiện nốt các hợp đồng của năm 2010.Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quí 1 bị chi phối bởi tâm lý đám đông.
Kết quả xuất khẩu gạo tại thời điểm tháng 1 và 2 cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu đã thu được lợi nhuận khá với giá ký trước đó cao và giá nguyên liệu hạ nhiệt, và với triển vọng đã được đoán trước về Philippines sẽ tham gia rất hạn chế trong quí 1 và kỳ vọng mạnh về triển vọng vụ Đông Xuân lúa gạo nguyên liệu giảm đã làm doanh nghiệp có xu hướng mạnh tay tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu.
Khi tất cả thị trường đều trong cùng toan tính theo một hướng lại thêm sự đột ngột trở lại mạnh của các hợp đồng Chính phủ Indonesia, Bangladesh, Cuba, Malaysia thì đã tạo nên hiệu ứng ngược. Nhu cầu tăng mạnh cho xuất khẩu tháng 2 và 3 đã làm cho giá nguyên liệu tăng mạnh.
Thời điểm của cuối tháng 3 và tháng 4 những doanh nghiệp nào lao theo đám đông ký hợp đồng giá thấp đang phải đối mặt với thua lỗ.Triển vọng thị trường sẽ phụ thuộc vào lượng hàng của vụ Đông Xuân còn bao nhiêu và lượng xuất khẩu tháng 4, 5 và 6 sẽ thế nào?Tính đến thời điểm đầu tháng 4, lượng xuất khẩu đã rất lớn, nhưng vẫn còn lúa gạo hàng hóa của vụ Đông Xuân.
Nếu ước tính sản lượng hàng hóa vụ Đông Xuân cho xuất khẩu là 3 triệu tấn gạo trong khi lượng gạo xuất khẩu tháng 2 và 3 là 1,5 triệu tấn, trong đó tháng 2 xuất khẩu là 500 ngàn tấn thì lượng gạo vụ Đông Xuân có thể khoảng 200 ngàn tấn, như vậy lượng gạo vụ Đông Xuân xuất khẩu tháng 2 và 3 khoảng chừng 1,2 triệu tấn, như vậy vẫn còn khoảng 1,8 triệu tấn nữa của vụ Đông Xuân còn lại kể từ tháng 4.
Chưa kể lượng gạo vụ trước có thể vẫn còn và lượng lúa chuyển từ Campuchia sang, nên tổng lượng gạo còn lại kể từ đầu tháng 4 có lẽ vẫn còn hơn 2 triệu tấn. Nhưng vẫn còn những ẩn số từ Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến ước tính trên.
Liệu Trung Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam có nhiều hơn con số thống kê của hải quan hay không? Giới kinh doanh tin rằng lượng hàng xuất khẩu tiểu ngạch cao hơn con số thống kê hải quan. Chưa ai đo đếm được con số này. Tình trạng này cũng có thể tiếp diễn trong các tháng tiếp theo và cần hết sức theo dõi.
Số lượng xuất khẩu tháng 4 và 5 sẽ thế nào? Số liệu VFA đến ngày 14/4 xuất khẩu được 290 ngàn tấn. Trong khi đó số liệu của các hãng tàu tính đến 18/4 đã xuất đi cho Cuba trên 50 ngàn tấn, các chuyến hàng cũng đang đi Malaysia và Philippines.
Có thể lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và 5 khó có thể cao như các tháng trong quí 1 có nhiều khả năng các hợp đồng Chính phủ sẽ không nhiều như quí 1, mặc dù đã có hợp đồng NFA 200 ngàn tấn, Bangladesh dự kiến 100 ngàn tấn, với Cuba còn chưa chắc chắn về lượng thêm nữa.
Xu hướng xuất khẩu khó được cải thiện bởi tình trạng bất ổn của xuất khẩu thương mại khi giá đầu vào cao và giá xuất khẩu cao nhưng thiếu vắng khách hàng.
Theo VFA hợp đồng thương mại ký từ tháng 4 lên đến 900 ngàn tấn. Nếu vậy thì đối mặt với giá nguyên liệu cao như hiện nay sẽ có nhiều hợp đồng ký thời gian giao gấp sẽ phải lui thời gian giao hàng hoặc hủy hợp đồng. Rất có thể tình thế này dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp có phản ứng chùn tay ký các hợp đồng mới.
Thêm vào đó các hợp đồng Chính phủ cũng đã cạn dần sẽ làm cho xuất khẩu khó đạt như mức của quí 1. Nhìn xa hơn về trung hạn, chúng ta lại có thể hình dung một trạng thái khác của tâm lý đám đông/bầy đàn đang dần thành hình nhưng dịch chuyển từ cầu –các doanh nghiệp xuất khẩu sang theo hướng cung – nông dân trồng lúa.
Giá lúa vụ Đông Xuân cao đang gây sự phấn khích cho nông dân xuống giống trước lịch thời vụ gieo cấy. Biên bản ghi nhớ cung cấp hàng năm 1 triệu tấn gạo cho Bangladesh có thể tạo nên một hiệu ứng tâm lý an tâm về nhu cầu nhập khẩu gạo của một nước mới sẵn sàng thay thế cho sự ra đi/đỏng đảnh của Philippines.
Nhưng chúng tôi chưa thấy một triển vọng nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam mạnh mẽ tại thời điểm này. Xu hướng cung tăng mạnh còn được thúc đẩy khi ngành nông nghiệp đang lên phương án tăng 1 triệu tấn lúa và còn đưa ra dự báo xuất khẩu gạo năm 2011 đạt trên 7 triệu tấn.
Quí 1 quyền lực của thị trường nằm trong tay nguồn cung – nông dân, nhưng rất có thể đến cuối quí 2 và đầu quí 3 quyền lực của thị trường sẽ lại chuyển sang tay lượng cầu – doanh nghiệp.
Kịch bản giá lúa sẽ thế nào khi tháng 6 trở đi xuất khẩu không thuận lợi trong khi lượng hàng quá dồi dào? Đây rất có thể là một sự dịch chuyển có nhiều khả năng phải trả giá đắt, nhưng lúc đó không phải doanh nghiệp chịu thua thiệt mà sẽ là nông dân.
TB KTSG