CôngThương - Việt Nam hiện nay là trung tâm chính của thị trường hạt tiêu thế giới. Ấn Độ, quốc gia sản xuất hạt tiêu hàng đầu đã không thể duy trì cuộc đua xuất khẩu do nguồn cung yếu xuất phát từ sản lượng thấp trong vụ mùa này.
Xuất khẩu tiêu dẫn đầu thế giới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu tiêu của Việt Nam tháng 4 ước đạt 16 ngàn tấn, kim ngạch đạt 80 triệu đô la, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 4 tháng đạt 42.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 208 triệu đô la, giảm 4,9% về lượng và giá trị tăng tới 53,5% so với cùng kỳ.
Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới tăng cao là nguyên nhân khiến cho giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta tăng cao. Giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng trong 4 năm từ năm 2007 đến năm 2010, đặc biệt giá tăng đột biến từ giai đoạn tháng 7/2010 và duy trì liên tục đến nay. Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh ở giai đoạn nửa cuối năm 2010 ở mức cao hơn 45% đến 60% so với thời điểm đầu năm.
Thị trường hồ tiêu thế giới hiện đang có thuận lợi về giá, kích thích sản xuất phát triển. Sản xuất tiêu của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế so với các nước khác (đặc biệt yếu tố lao động).
Tình hình cung cầu, giá cả hồ tiêu toàn cầu năm 2011 tiếp tục có lợi cho các nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, năm 2011, Việt Nam sẽ phấn đấu xuất khẩu 120.000 tấn tiêu các loại, trị giá 470 triệu đô la. So với năm 2010, chỉ tiêu này chỉ tăng 3% về lượng nhưng tăng tới 12,1% về giá trị. Kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi theo số liệu của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt khoảng 100.000 tấn, tăng khoảng 5,3% so với năm 2010.
Mặt khác, việc đồng nội tệ giảm giá thêm 9,3% cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam có lợi thế hơn.
Theo khảo sát đánh giá của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) về tình hình sản xuất tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm là các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho thấy, vườn tiêu phát triển khá tốt, nhiều diện tích trồng mới các năm trước, sang năm 2011 bắt đầu cho thu hoạch, tín hiệu được mùa và sản lượng tăng thấy rõ.
Đánh giá tổng quan về sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2011 vẫn có khả năng đạt và vượt năm 2010. Năng suất tiêu năm 2011 nhận định đạt khoảng 22,5 tạ/héc ta, tổng sản lượng tiêu của cả nước dự báo đạt khoảng 100 ngàn tấn tăng 5,3% so với năm 2010.
Cần tăng giá trị
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, giá xuất khẩu hồ tiêu nước ta thường thấp hơn một số nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia. VPA nhận định do hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu phải qua nhiều kênh trung gian, chủ yếu là sản phẩm thô, trong khi các nước có truyền thống xuất khẩu tiêu trên thế giới từ lâu đã chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao và tổ chức chặt chẽ trong việc xuất khẩu. Do vậy, dù có sản lượng lớn và có khả năng điều tiết thị trường nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội này.
Để nâng cao hơn nữa uy tín hồ tiêu Việt Nam, các nhà sản xuất và kinh doanh cho rằng phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại các vùng sản xuất. VPA đã chọn quảng bá 2 sản phẩm đầu tiên là hồ tiêu Phú Quốc và Chư Sê. Đánh giá đúng vị trí mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu, Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại. VPA đã tổ chức cho các thành viên khảo sát, tiếp cận trực tiếp với các thị trường nhập khẩu lớn tại Dubai và EU.
Các nhà kinh doanh Việt Nam qua đó nắm vững phương thức mua bán, yêu cầu sản phẩm của từng loại thị trường trung gian, sỉ và lẻ, cách thức hoạt động của các hoạt động phụ trợ để tổ chức xuất khẩu hiệu quả hơn. VPA đã tổ chức các cuộc hội thảo tại các vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm và tìm ra những giải pháp cần thiết từ giống, chăm bón hữu cơ đến yêu cầu chế biến, cơ khí, thiết bị, bảo quản.