Xuất khẩu sang Anh: Giải "bài toán" thương hiệu để nâng cao thị phần
Những tác động quan trọng của UKVFTA
Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương Quốc Anh đã được khẳng định rõ ràng.
Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12 - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông - thuỷ sản.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh. Đặc biệt, mới đây nhất, việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) dự kiến sẽ tiếp tục là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư hai chiều phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Trong 3 năm thực thi UKVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm |
Chia sẻ về những tác động quan trọng của Hiệp định UKVFTA đến hoạt động xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Vũ Việt Thành - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, tác động đầu tiên là lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định UKVFTA. Nếu tính trong cả 3 năm thực thi, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.
“Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng đầu năm” - ông Thành cho biết và thông tin thêm, hiện nay, hạt tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê... đang là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đứng đầu phân khúc thị trường Anh.
Tác động thứ hai là giúp tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng của Anh vào Việt Nam, nổi bật là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ khoa học rất cao như: Sản phẩm máy móc, ô tô, hóa chất cơ bản, y tế, dược phẩm.
Thứ ba, tác động về thu hút đầu tư. Trong hơn 3 năm vừa qua, tổng số dự án đăng ký của Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng hơn gấp rưỡi từ mức 380 dự án vào cuối năm 2020 lên 584 án sau 9 tháng đầu năm 2024 với tổng số vốn là 4,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam trải khắp trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm...
Tác động thứ tư, tích cực về thể chế, giúp Việt Nam cải cách thể chế trong rất nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển bền vững, mua sắm công, dịch vụ thương mại...
Tác động thứ năm, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi từ hiệp định, hiện, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm, cũng như một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường, đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng, qua đó có thể tận dụng lâu dài lợi ích từ hiệp định này trong thời gian tới.
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Anh vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh.
Chỉ rõ thực tế này, ông Nguyễn Cảnh Cường - Cựu tham tán công sứ tại Vương quốc Anh - cho hay, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng dựa trên kỹ thuật số, giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trình độ và hiệu quả như những doanh nghiệp được tăng trưởng xuất khẩu sang Anh. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thị trường, kể cả những thông tin cơ bản nhất. Một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không có phương pháp tiếp cận thị trường.
Thị phần hàng hóa của chúng ta vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh |
“Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin. Trong khi nguồn thông tin miễn phí về doanh nghiệp Anh đều có trên trang companieshouse.gov.uk” - ông Nguyễn Cảnh Cường chỉ rõ và cho biết thêm, đã từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam suốt mười năm làm việc cùng một đối tác "thuận buồm xuôi gió". Khi tin tưởng cho bạn giao hàng trước, trả tiền sau, đối tác sắp phá sản, doanh nghiệp tự đưa mình vào tình huống rủi ro rất cao.
Do đó, theo ông Cường không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của đối tác, kể cả đối tác truyền thống.
Nghiên cứu thị trường bài bản
Đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu và kinh doanh tại thị trường Anh, ông Vũ Việt Thành cho rằng, doanh nghiệp cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường; cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...
Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến sâu, tối ưu chu trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu và nghiên cứu, tìm kiếm những đối tác phát triển để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Anh vào trong dây chuyền sản xuất cụ thể của doanh nghiệp...
Trong tương lai, Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ cùng là thành viên của CPTPP, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ rồi xuất khẩu. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tìm kiếm những đối tác phát triển để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Anh vào trong dây chuyền sản xuất cụ thể của doanh nghiệp, qua đó, tận dụng vốn, công nghệ của đối tác.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, trước hết, các doanh nghiệp đặc biệt tuân thủ tiêu chuẩn hóa của thị trường nhập khẩu. Đây là điều kiện tiên quyết của các doanh nghiệp Anh khi mà họ muốn tìm hiểu những sản phẩm mới.
Thứ hai, doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải... cùng những quy định khác của thị trường Anh. Các nhà cung cấp, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nhận thức được những quy định đó để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường.
Thứ ba, cần minh bạch chuỗi cung ứng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các công cụ số hóa. Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Anh phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, từ nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, đóng gói... doanh nghiệp phải nắm được và cung cấp được cho nhà nhập khẩu Anh.