CôngThương - Tại buổi hội thảo “Thị trường Nhật Bản- cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 15/9 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, ông Nagamori Akihro, Phó giám đốc điều hành Jetro (Tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản) chia sẻ: Nhật bản là quốc gia chỉ tự chủ được 40% nhu cầu lương thực và thực phẩm. Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hàng lương thực thực phẩm vào Nhật Bản lên đến 63,9 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ đứng đầu (15,7 tỷ USD), Việt Nam đứng thứ 17 với 1,17 tỷ USD. Hàng nông lâm thủy hải sản Việt Nam XK sang Nhật ngày càng tăng và sự cạnh tranh càng quyết liệt.
Tuy nhiên, ông Akihro cảnh báo: tôm Việt Nam là mặt hàng được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng nhưng gần đây số lượng đã bị giảm sút do trước đó ngành y tế Nhật đã phát hiện một số mặt hàng tôm nhập từ Việt Nam chứa hóa chất và nông dược trong tôm dẫn đến sức tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng Nhật vốn kỹ tính khi chọn lựa thực phẩm, khi phát hiện hàng hóa có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm họ rất e ngại.
Các mặt hàng của Việt Nam có thể XK sang Nhật hiện nay gồm sản phẩm cơ khí, phần mềm, linh kiện vi tính, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản, thực phẩm, nông sản,dăm gỗ. Xu hướng của thị trường Nhật là ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, ngon tự nhiên. Hàng đến Nhật phải đảm bảo được ba yếu tố: chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng.
Theo ông Akihro, Việt Nam đang có xu hướng sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao để xuất khẩu vào Nhật, tuy nhiên ở Nhật từ lâu đã hình thành hệ thông truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất chuyên nghiệp nên sản phẩm không đạt chất lượng thì dù có xuất xứ ở quốc gia nào cũng khó thâm nhập được thị trường.
Ông Từ Minh Thiện- Giám đốc ITPC cho biết, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản là sự hợp tác song phương toàn diện và khá lâu. Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 7.727 triệu USD, trong đó hàng dệt may chiếm 1.154 triệu USD, thủy sản 894 triệu USD, dây và cáp điện 920 triệu USD, vi tính điện tử 410 triệu USD.
Nước Nhật so với Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, sở thích, điều kiện địa lý nhưng văn hóa tiêu dùng của người Nhật cao hơn người Việt nhiều bậc. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đã và sắp làm ăn với thị trường Nhật lại tỏ ra ít am hiểu về tập quán của họ, đặc biệt là nhu cầu về thị trường.
Ông Ngô Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Keyplus (quận 3, TP.HCM) chuyên kinh doanh với thị trường Nhật cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam thường có ít thông tin chính thống về thị trường Nhật, đa số nắm bắt thông tin qua các đầu mối trung gian nên hiệu quả trong thương mại còn rất thấp.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Công ty Minh Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) đánh giá, làm ăn với người Nhật hiện đang đang tồn tại một nghịch lý, chúng ta muốn bán hàng sang Nhật song thái độ chúng ta chỉ ngồi chờ người Nhật sang mua, rất ít mang hàng trực tiếp đến bán cho họ. Từ chỗ thiếu thông tin về thị trường, hình thức kinh doanh lại thiếu tính năng động nên mãi lực cho những lô hàng đi Nhật phát triển chậm và thiếu hiệu qủa.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật, ngoài tổ chức ITPC, ông Dũng đã thành lập Trung tâm tư vấn liên kết công nghệ cao để làm nơi giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trung tâm này là đầu mối thông tin về thị trường, về đối tác cho các doanh nghiệp hai quốc gia. Với 45 năm sống ở Nhật Bản ông Dũng cam kết sẽ làm người mai mối cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu hiểu biết và kinh doanh tại thị trường Nhật và ngược lại.
Để hàng Việt đi Nhật dễ dàng, ông Từ Minh Thiện cho biết, ngoài việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp trực tiếp đi Nhật để tìm hiểu về thị trường, xúc tiến thương mại, ITPC sắp tới sẽ thành lập văn phòng đại diện các doanh nghiệp của TP.HCM tại Nhật, khai trương Khu phố Nhật Bản tại 15 Lê Thánh Tôn, q.1 – TP.HCM, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Long Hậu (Bến Lức Long An) để đón các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.