Xuất khẩu thủy sản năm 2011 dự báo vượt kế hoạch
- Nhiều tín hiệu lạc quan
Những tháng đầu năm 2011, mặc dù vấp phải nhiều khó khăn từ thị trường xuất khẩu cũng như đối mặt với tình trạng bất ổn nguồn nguyên liệu trong nước nhưng xuất khẩu cá tra vẫn đạt được kết quả tốt. Điển hình như Đồng Tháp, là một trong những tỉnh có ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mạnh nhất cả nước chỉ trong 9 tháng đã hoàn thành sớm kế hoạch xuất khẩu năm 2011. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, đến nay kim ngạch xuất khẩu cá tra cả tỉnh đã đạt 332 triệu USD, vượt chỉ tiêu 320 triệu USD của năm 2011.
Đối với xuất khẩu tôm, đây là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản, trong đó Cà Mau là địa phương xuất khẩu mặt hàng này đứng đầu cả nước. Đến thời điểm này, hầu như tất cả 36 nhà máy chế biến thủy sản ở Cà Mau đang hoạt động hết công suất để kịp hoàn thành các đơn hàng trong dịp Noel và Tết Dương lịch sắp đến. Theo ông Lê Văn Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú, trong 9 tháng, công ty đã xuất được 19.000 tấn tôm đông lạnhvào các thị trường EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… với giá trị hơn 229 triệu USD, tăng 46% về giá trị so cùng kỳ năm 2010.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tăng trên 15% so cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 900 triệu USD, tăng 60 triệu USD so kế hoạch đề ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng lên đáng kể, nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu mặt hàng tôm tại các thị trường đều tăng mạnh so với năm ngoái.
Dự báo vượt kế hoạch
Theo VASEP, 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tôm đạt giá trị 1,6 tỷ USD, hầu hết các thị trường đều có mức tăng trưởng cao cho dù có nhiều khó khăn tại thị trường NK chính là Nhật Bản, do nhà chức trách nước này quyết định kiểm tra 30% mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam sau khi phát hiện chất Enrofloxacin trong lô hàng thủy sản xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan.
Xuất khẩu cá tra cũng đạt được kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 1,31 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2011, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, EU là thị trường trọng điểm chiếm 30% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 397,8 triệu USD.
Đối với mặt hàng cá ngừ, trong 9 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt giá trị 284,7 triệu USD tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường chính nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao, trong đó Nhật Bản tuy đứng thứ 3 nhưng lại là thị trường tăng trưởng cao nhất 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34,7 triệu USD, chiếm 12,2% giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Mỹ chỉ tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 132,6 triệu USD, chiếm 46,6% tỷ trọng. EU là thị trường lớn thứ 2 , chiếm 18,5% tỷ trọng với giá trị đạt 52,5 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng nhuyễn thể cũng có giá trị XK tăng trưởng khá, giá tri xuất khẩu nhuyễn thể 9 tháng đạt 420,1 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 31,8% đạt 359,7 triệu USD; tuy nhiên xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 8,6% đạt 60,4 triệu USD. Thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc, đạt giá trị 123,9 triệu USD, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là EU đạt 85,4 triệu USD, tăng 30% và Nhật Bản 83,5 triệu USD, tăng 16%.
Trước những kết quả đạt được của xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả năm 2011 sẽ đạt gần 6,09 tỷ USD, vượt kế hoạch 5,75 tỷ USD đề ra hồi đầu năm.
Thành Công