Xuất khẩu tôm tìm cách gỡ khó
Đối mặt khó khăn kép
Gần 20 năm tham gia xuất khẩu, chưa khi nào Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, thì nay vẫn đang sản xuất cầm chừng chờ đơn hàng. Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, lượng nguyên liệu trong nước giảm rất mạnh. Do đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 rất tối.
Theo ông Phục, các nhà máy thủy sản có vùng nuôi riêng nhưng chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu sản xuất. Vì vậy, khi sản lượng tôm ít như hiện nay, doanh nghiệp mua tôm loại 25 con/kg với giá 245.000 đồng, 30 con giá 188.000 đồng, tăng 30.000-40.000 đồng so với lúc tôm thu hoạch chính vụ.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT thủy sản Thuận Phước cho biết, hiện nay nguyên liệu tôm đang giảm sút trầm trọng. Những năm trước, thời điểm này doanh nghiệp có thể thu mua mỗi ngày cả trăm tấn nguyên liệu thì giờ đây sản lượng chỉ còn 10 tấn. Khu vực phía Nam là vùng nguyên liệu tôm lớn nhất cả nước, song giờ đây cũng không đủ cung cấp cho các nhà máy phía Nam. “Hiện nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở phía Nam đang phải làm việc luân phiên, sản xuất cầm chừng”, ông Trần Văn Lĩnh thông tin.
Xuất khẩu tôm tiếp tục đối mặt nhiều thách thức |
Trên thực tế, số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy xuất khẩu tôm giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu USD, giảm 40%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm từ 12%-35% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Đình Hòe - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lý giải về sự suy giảm này: do nhu cầu thị trường chững, lạm phát thế giới ở mức cao, tồn kho tại Mỹ nhiều, tiêu dùng tại EU thắt chặt do khó khăn kinh tế, và cũng bởi vì cùng thời điểm này năm ngoái, xuất khẩu tôm tăng quá mạnh (với 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ 2021).
Cùng quan điểm đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, đầu năm 2023, tồn kho ở các nhà phân phối và các nhà máy chế biến không nhỏ. Điều bất thường ở vụ tôm năm nay là doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giá bán giảm nhưng tại thời điểm này giá tôm nguyên liệu lại tăng cao kỷ lục.
Hiện nay giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu, Sóc Trăng đã đạt mức 170.000 đồng/kg loại 40 con/kg. Trong khi đó giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ cùng loại chỉ khoảng 107.000 đồng/kg.
"Ngành tôm đang đối mặt với 2 khó khăn: Nếu giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao như hiện nay thì sẽ có nhiều nhà máy đóng cửa vì không thể mua cao, bán thấp. Còn ngược lại nếu giá tôm nguyên liệu giảm 1/3 cho ngang bằng giá tôm thế giới thì người nuôi tôm sẽ treo ao vì thua lỗ", ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Tận dụng từ lợi thế nhỏ nhất
Theo ông Trần Văn Lĩnh, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, để duy trì sản xuất, giữ chân khách hàng doanh nghiệp đang thương lượng với khách hàng chia sẻ lợi nhuận, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn hecta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ông Trương Đình Hòe - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm-rừng, tôm-lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường… Đồng thời, khai mở thêm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, nhằm tìm kiếm các đơn hàng mới.
“Bên cạnh thách thức, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp năng động, thích ứng sớm với điều kiện mới sẽ tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh
Cũng theo ông Hòe, để hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây Vasep đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, nhằm hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, thức ăn chăn nuôi nói chung và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.