Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho XK tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Các số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sau khi giảm liên tục trong quý II, bước sang tháng 8/2020, nhờ hiệu ứng tích cực của EVFTA, XK tôm qua EU đã tăng từ 10 - 15% so với tháng 7 và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký của VASEP - nhận xét, sau khi các sản phẩm tôm chế biến được hưởng ưu đãi thuế suất về 0% thì lượng đơn hàng XK trong tháng 8 của các DN đã tăng rõ rệt, khoảng 15% so với tháng 7/2020. Xu hướng này đang tiếp tục tốt hơn khi bước sang tháng 9/2020, nhiều DN cho biết cũng nhận được những đơn hàng mới từ khách hàng EU.
Điển hình mới đây, những lô tôm được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA của Thông Thuận Group đã được XK vào EU. DN này dự kiến, XK tôm sẽ đạt 9,5 triệu USD trong tháng 9/2020, trong đó XK vào các thị trường EU đạt khoảng 4,5 triệu USD. Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - ông Trần Văn Lĩnh - ước tính, đến hết tháng 8/2020, Thuận Phước đã XK 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm sang EU, với giá trị khoảng 31 triệu USD, tăng 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới từ EU trong tháng 9 |
Theo ông Trương Đình Hòe, việc XK tôm tăng mạnh ngoài hiệu ứng từ ưu đãi thuế quan từ EVFTA còn có sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Công Thương trong giải quyết các vướng mắc về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 cho DN. Cụ thể, trong tháng 8/2020 khi DN XK tôm qua EU đã bị hải quan một số nước từ chối thông quan do nền màu của giấy C/O theo mẫu EUR.1 không đúng màu xanh lá cây. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã vào cuộc làm việc với phía EU, đến ngày 31/8 EU đã có ý kiến phản hồi. Theo đó, EU chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU. Việc này cũng đang được EU thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho DN sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.
“Tôi cho rằng, đây là động thái rất tích cực của Bộ Công Thương trong việc đồng hành cùng DN thủy sản nói chung và tôm XK nói riêng” - ông Trương Đình Hòe cho biết.
Trên thực tế, nhiều năm nay EU là thị trường quan trọng với thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Do đó, các DN thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên ngay khi EVFTA có hiệu lực đã đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định này.
Tuy nhiên, để XK thủy sản nói chung và XK tôm nói riêng bền vững trong tương lai, VASEP khuyến cáo các DN cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bởi người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm bền vững. Ngay khi Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng thể hiện rõ nét hơn, theo đó, họ ưu tiên các sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững, mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, sản xuất an toàn.
Thuận lợi trong XK tại thị trường EU được đánh giá sẽ giúp XK tôm năm 2020 đạt kế hoạch đề ra ban đầu là 3,8 tỷ USD. Từ đó, đóng góp chung vào mục tiêu kim ngạch XK toàn ngành thủy sản là 8,26-8,3 tỷ USD trong năm nay. |