Nhiều doanh nghiệp coi thương mại điện tử là "chìa khóa" mở thị trường xuất khẩu |
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & CN Bộ Công Thương), cách đây 15 - 20 năm, kinh phí dành cho xúc tiến thương mại chủ yếu đổ vào các đoàn đi tìm hiểu thị trường nước ngoài nhưng giờ đây chủ yếu dành để hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, TMĐT.
Kết quả khảo sát trên 800 DN XK của Cục TMĐT&CNTT cho thấy, có đến 70% là DN nhỏ và vừa, 30% là DN lớn; số DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52%, trong khi tỷ lệ này ở DN nhỏ và vừa là 36%; có 11% DN tham gia và 9% DN cho biết sẽ tham gia sàn TMĐT nước ngoài. Tuy tỷ lệ DN tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả các DN thu được không hề nhỏ, khi có đến 42% DN cho biết, tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu XK là 50%.
Thien Huong food - DN thực phẩm có nhà máy tại Hải Dương đã rất thành công khi ứng dụng TMĐT vào XK, sau 3 năm tham gia trên Alibaba.com, doanh thu của DN này đã tăng lên 20% so với trước đây. DN đã mở rộng diện tích văn phòng và nhà xưởng lên đến gần 28.000m2 để phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.
Thương mại điện tử - giải pháp cho doanh nghiệp thời hội nhập |
Hay như Công ty TNHH HTV Hải Sản 404 - DN 100% vốn nhà nước cũng rất nhanh nhạy với phương thức XK trực tuyến. Khách hàng tiềm năng của DN này qua Alibaba.com đến từ Trung Quốc, Trung Đông và EU. Đại diện DN cho biết, mỗi ngày DN nhận được khoảng 10 thư hỏi hàng từ Alibaba.com, trong đó 40% là có chất lượng và có được 0.5% đơn hàng từ số thư hỏi hàng chất lượng đó. Doanh thu qua Alibaba.com của DN đã chiếm 60% tổng doanh số XK.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Việt Nam đang trong quá trình tích cực hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, bên cạnh những cơ hội do hội nhập mang lại, các DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ quốc tế. “Một trong các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN chính là việc ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Chính vì vậy, DN phải chủ động nhập cuộc” - ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Với nỗ lực đẩy mạnh XK trực tuyến, nhiều DN đã nhập cuộc và tìm hướng đi riêng. Bà Lê Thị Thanh Hằng - Giám đốc Công ty xuất khẩu Elmaco (hoạt động trong lĩnh vực vật liệu điện và cơ khí) - chia sẻ, sau 5 năm hoạt động XK trực tuyến, cái “được” của DN là mở ra những thị trường mới mà nguồn kinh phí bỏ ra cho hoạt động này là không nhiều.
Bộ Công Thương đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ DNXK, trong đó có XK trực tuyến thông qua TMĐT. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện TMĐT; cải cách hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho DN tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ song phương, đa phương…
Ngoài ra, Cục TMĐT&CNTT đã có cổng TMĐT hỗ trợ XK cho DN Việt Nam, cung cấp thị trường cho từng nhóm hàng, từng khu vực, hệ thống thương vụ ở các nước, thông tin đối tác, xác thực sản phẩm ở các thị trường.
Theo các chuyên gia, những thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... có tỷ lệ sử dụng internet rất cao, nên nếu DN khai thác và ứng dụng phổ biến TMĐT vào hoạt động XK sẽ tăng thêm cơ hội tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. |