CôngThương - Khiếm khuyết không lớn nhưng khắc phục có vấn đề
Theo Bộ Công thương, khi có thông tin về hiện tượng thấm nước rò rỉ tại đập sông Tranh 2, ngay từ ngày 18 – 21/2, EVN đã chủ động cử đoàn công tác lên kiểm tra. Kết quả cho thấy, hạ lưu đập dâng xuất hiện rò rỉ tại 6 khe nhiệt, tại hành lang thu nước số 2, một số ống thu không có nước. Rãnh thu nước trong hành lang thượng lưu thoát nước bình thường, còn rãnh hạ lưu ứ đầy nước. Lưu lượng nước thấm qua đập khoảng 30 l/s. Việc thấm qua đập và rò rỉ nước ra phía hạ lưu do thấm qua kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa Omega) và một số vị trí khác. Một số lỗ thu nước sát tấm Omega và một số lỗ thu khác ở hành lang bị tắc, không thu gom triệt để nước thấm về hành lang thu nước, nên dòng thấm rò rỉ theo các khe nhiệt chảy ra hạ lưu đập.
Trước đó, Công ty Thủy điện sông Tranh cũng đã dùng biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang. Tuy nhiên, giải pháp này tỏ ra không phù hợp vì đã làm tắc dòng nước chảy vào hành lang thu nước dẫn đến làm tăng lượng thấm về hạ lưu.
Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định, "Thực ra, khiếm khuyết khônglớn nhưng việc khắc phục chưa bài bản, dẫn đến hiện tượng phun nước, gây phản cảm trong dư luận". Theo ông Sơn, lẽ ra Ban QLDA phải lấy ý kiến của tư vấn và các bên liên quan để xử lý bài bản, đúng phương pháp.
Cũng theo ông Sơn, lưu lượng nước thấm 30 lít/giây là bình thường nhưng vì nó tập trung ở 4 khe nhiệt nên phải tập trung xử lý tốt 4 khe nhiệt này. “Việc xử lý sẽ phải mất một vài tháng. Tuy nhiên, việc xử lý không ảnh hưởng tới ổn định của đập", ông Sơn nói.
An toàn cho người dân là trên hết
Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 xử lý để loại trừ các nguyên nhân trên như thông tắc các lỗ khoan thoát nước thân đập, thu gom nước thấm trong hành lang thu nước đưa về hố xả theo đúng thiết kế, khảo sát lập phương án xử lý giảm tổng lượng thấm qua đập. Bước đầu cho thấy việc xử lý đã cho hiệu quả tích cực, lượng nước rò rỉ đã giảm cơ bản. Tính đến sáng 28.3 lượng nước thoát qua khe nhiệt chảy về hạ lưu chỉ còn 7-8 lít/giây so với những ngày đầu tiên.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, qua báo cáo của Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 và kiểm tra tại hiện trường của các cơ quan chức năng cho thấy không phát hiện vết nứt bất thường nào trên thân đập ở phía thượng lưu, hạ lưu và trong các hành lang thu nước trong thân đập. “Điều này cho phép khẳng định, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 an toàn và không có sự cố nào ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân”- Thứ trưởng khẳng định.
Về việc đảm bảo chất lượng vật liệu thi công, ông Lê Quang Hùng –Cục trưởng Cục giám sát chất lượng công trình xây dựng -khẳng định:trong quá trình thi công đã lấy mẫu bê tông xét nghiệm theo đúng quy trình. Các mẫu đều đảm bảo chất lượng, vượt tiêu chuẩn đề ra.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục triệt để việc nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu, hoàn thành trước 15/4/2012. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thiết bị quan trắc, cập nhật và xử lý kịp thời các số liệu quan trắc được theo thiết kế đã duyệt. Xây dựng phương án xử lý thấm tổng thể nhằm giảm lưu lượng thấm về mức nhỏ nhất có thể, hoàn thành việc xử lý trước 31/7/2012. Tổ chức đánh giá ổn định an toàn đập sau khi kết thúc xử lý thấm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan. “Xử lý triệt để vấn đề này cần có thời gian và tiến hành từng bước, đảm bảo việc xử lý thấm có hiệu quả, đúng nguyên nhân gây thấm. Tuy nhiên không vì thế mà được phép kéo dài, phải tập trung xử lý trong thời hạn ngắn nhất để đảm bảo an toàn đập ngay trước mùa mưa lũ năm 2012. Dù thế nào, việc đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là trên hết”-Thứ trưởng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Vượng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng sẽ cử đoàn giám sát việc xử lý trên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân
Trả lời vấn đề các nhà báo quan tâm là trách nhiệm này thuộc về ai, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết “ sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan”.
Mặc dù khẳng định là đập vẫn an toàn nhưng Thứ trưởng cũng thừa nhận: Sự cố thấm, thoát, rò rỉ nước ra mái đập, hạ lưu, mặc dù chưa ảnh hưởng đến an toàn đập nhưng đây là hiện tượng không được phép theo thiết kế. Ở đây, có việc xử lý của nhà máy không đúng quy trình và không đúng với quy cách được thiết kế thông qua.
Theo Thứ trưởng, về nguyên tắc, việc đảm bảo chất lượng công trình là trách nhiệm thuộc chủ đầu tư. Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 do EVN là chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thủy điện 3. Như vậy, trách nhiệm thuộc về EVN.
Tuy nhiên, vẫn phải xem nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục rồi dựa trên mức độ thiệt hại mới làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan- Thứ trưởng nhán mạnh.
Điều nhiều người băn khoăn là, đập dâng thuỷ điện Sông Tranh 2 đã được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở (EVN) nghiệm thu tích nước hồ chứa giai đoạn 1 vào ngày 29/11/2010 và nghiệm thu tích nước giai đoạn 2 ngày 13/10/2011, được phép tích nước đến mức dâng bình thường tại cao trình 175m vào đầu tháng 11/2011. Sau đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra và đánh giá đập đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng cho hay, theo luật, chức năng của hội đồng là kiểm tra kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư về tư cách nhà thầu trong công tác quản trị thông qua hồ sơ và định kỳ kiểm tra. Đến sau khi tích nước thì trách nhiệm đó thuộc về chủ tư cách nhà thầu.
Cần giải pháp xử lý bền vững
Xung quanh sự lo ngại của dư luận về kinh nghiệm sử dụng bê tông đầm lăn ở Việt Nam, các giải pháp ứng phó với sự cố và mối liên quan của sự rò rỉ nước với hiện tượng động đất tại khu vực này thời gian gần đây, Thứ trưởng Vượng cho biết: Việt Nam đã xây dựng 14 đập bê tông đầm lăn như thủy điện Sông Tranh 2. Sự cố rò rỉ tương tự đã xảy ra tại thủy điện Prei Krong, nhưng đã khắc phục và giảm rò rỉ từ 25 lít xuống còn 3 lít/giây, hiện nay hoạt động an toàn. Về nguyên tắc, tất cả các dự án thủy điện của Việt Nam đều có phương án phòng chống thiên tai, bão lũ, động đất. Hiện tượng xảy ra động đất kích thích trong quá trình hồ chứa tích nước là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 5 năm. Thủy điện Hòa Bình đã xảy ra động đất kích thích năm 1983 với cường độ 5,5 richter. Vừa qua, Sông Tranh 2 có động đất 3,3 độ richter. Tuy nhiên, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với động đất cấp VII, tương đương 5,5 độ richter nên các đợt động đất kích thích cuối năm 2011 không ảnh hưởng đến độ an toàn đập.
Có mặt tại buổi họp báo, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vẫn bày tỏ sự lo lắng về sự an toàn bền vững của đập Thủy điện sông Tranh 2. Ông cho biết: Để an dân, trách nhiệm của tỉnh là sẽ tuyên truyền đến người dân theo như thông tin kết luận chính thống về sự an toàn của thủy điện. Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghịChính phủ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm, chủ đầu tư cần tổ chức kiểm tra rà soát tổng thể công trình, có biện pháp khắc phục sự cố mang tính ổn định lâu dài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Không thể để tái diễn tình trạng như vừa qua, hết động đất, rồi rò rỉ đập, sự cố liên miên, việc triển khai khắc phục sự cố chưa bài bản, khiến hàng trăm ngàn dân của 7 huyện hạ du thủy điện ăn ngủ không yên như vậy.
"Cần có đánh giá một cách tổng thể lại, xem xét lại toàn bộ công trình đập sông Tranh 2 để có một giải pháp căn cơ hơn, xử lý các tình huống liên quan, trong đó có vấn đề động đất, làm sao đảm bảo công trình an toàn chắc chắn", ông Thu nói.