Yếu tố quyết định trong hội nhập quốc tế phụ thuộc vào người dân và doanh nghiệp
Tin hoạt động 22/02/2015 10:25
Việt Nam (VN) đã tiến hành ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tham gia đàm phán 7 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu, với Liên minh Hải quan (Nga - Kazakhstan – Belarus), với Khối Thương mại tự do châu Âu– EFTA, với các nước đối tác của ASEAN (ASEAN+6) và FTA ASEAN-HongKong... Thêm vào đó, mốc hình thành Cộng đồng ASEAN đang đến rất gần, biến khu vực có 600 triệu dân trở thành một cộng đồng thống nhất, không có những rào cản cả trong lĩnh vực kinh tế. Điều này cũng dễ thiểu và thông cảm khi người dân và doanh nghiệp (DN) có những lo ngại về việc hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
“Sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn, cạnh tranh ngay ở trên sân nhà, ở từng lĩnh vực. Để có những giải pháp ứng phó với sự cạnh tranh đó, không loại trừ bất cứ một người dân, một DN nào. Chúng ta hãy cùng nhau phối hợp, chia sẻ, phấn đấu để biến thách thức thành cơ hội. Một điều cần khẳng định là yếu tố quyết định cho sự thành công của bất cứ công việc nào, của bất cứ quốc gia nào trong hoạt động hội nhập quốc tế đều phụ thuộc vào người dân, phụ thuộc vào doanh nghiệp” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kêu gọi.
BỘ TRƯỞNG VŨ HUY HOÀNG: Bộ Công Thương - với tư cách là đơn vị tham mưu cho Trung ương, cho Chính phủ trong việc giải thích, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề hội nhập đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp - sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, có kế hoạch dài hạn tuyên truyền về vấn đề này, nhất là các vấn đề hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu, công nghiệp…. |
Theo Bộ trưởng, có rất nhiều cách, nhiều biện pháp mà cộng đồng DN VN cần phải nâng cao hơn nữa. Đầu tiên là nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng DN. Thứ hai là chủ động tìm ra giải pháp, từ việc nghiên cứu cơ chế chính sách, tìm hiểu về những nội dung mà VN đã tham gia cam kết, để nắm bắt và hiểu rõ hơn vào thời cơ và thách thức, từ đó chủ động hơn vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Cuối cùng, DN cần chủ động hơn việc hội nhập vào sân chơi rộng như thế này, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, chúng ta có cả thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân hoặc thị trường từ những Hiệp định Tự do thương mại khác mà chúng ta sắp ký kết trong những ngày tới như TPP, FTA với EU, với Liên minh thuế quan, với Hàn Quốc… - một sân chơi rất rộng và khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng rất rộng.
Trên thực tế, dù rằng VN sẽ thực hiện những cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới thì trước đó VN cũng đã mở cửa thị trường hàng hóa cho các nước ASEAN và trong hơn 20 năm đó, hàng hóa của VN vẫn thống lĩnh thị trường. Hơn nữa, nguyên tắc trong đàm phán của Chính phủ VN là bảo hộ một cách hợp lý, thông qua việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng nhạy cảm. Những mặt hàng này được bảo hộ từ khi VN đàm phán gia nhập WTO và tiếp tục được bảo hộ trong các Hiệp định thương mại về sau.
“Nếu thực hiện được như vậy thì tôi nghĩ những băn khoăn, lo lắng về việc mở cửa thị trường với Cộng đồng kinh tế ASEAN vào 31/12 tới, hay việc chúng ta đang tham gia đàm phán và sẽ ký kết những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như đã nói ở trên là không hoàn toàn có cơ sở. Bằng sức mạnh của mình, các DN Việt Nam sẽ đứng vững tại thị trường trong nước, đồng thời đón lấy cơ hội để đưa hàng Việt ra nước ngoài, chứ không chỉ có hàng ngoại vào VN” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.