Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn |
Trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết: Trong 7 năm (2010- 2016) các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt tổ chức thực hiện có kết quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg với trên 40% học nghề nông nghiệp và gần 60% được học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học đã chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 53% năm 2016; nâng năng suất lao động xã hội từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên 84,5 triệu đồng năm 2016 và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009 xuống còn khoảng 44% năm 2015, giảm 7,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Hồng Minh, hiệu quả thực hiện Đề án chưa cao, nhất là hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho một vài cơ sở dạy nghề chưa đạt được như mong muốn. Không đạt chỉ tiêu của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, theo đó, 6 năm (2010-2015) hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt trên 90% kế hoạch, riêng năm 2016 chỉ đạt trên 83% kế hoạch.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương mình, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Hệ thống văn bản về đào tạo nghề đối với lao động nông thôn nhóm nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) đến nay chưa cụ thể, các hướng dẫn thực hiện kế hoạch là hướng dẫn chung cho các nhóm nghề và cấp đào tạo. Điều này dẫn đến việc triển khai còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước. Việc tổ chức đánh giá hiệu quả sau khi kết thúc khóa học, quy định này thực tế chỉ phù hợp với nhóm ngành phi nông nghiệp. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa thực sự tốt…. Sở NN&PTNT Bắc Giang kiến nghị cần sớm xây dựng bộ hướng dẫn riêng việc thực hiện chính sách Đề án đào tạo nghề đối với lao động nông thôn nhóm nghề nông nghiệp hình thức đào tạo dưới 3 tháng. Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi trong việc thực hiện có hiệu quả chính sách này…
Còn theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Trị, việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay mới chỉ dừng lại ở đào tạo bề rộng, chưa đi vào chiều sâu hoặc đào tạo nghề có ứng dụng công nghệ cao. Cái khó hiện nay là chính người dân vẫn chưa xác định rõ là mình cần đào tạo cái gì? Nghề nào là sở trường của mình? Và sau khi học song thì hàng hóa của mình sản xuất ra có đáp ứng được nhu cầu thị trường cần hay không?...
Đào tạo nghề phải sát thực tiễn
Trước những ý kiến từ các sở, ngành, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào là nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là 12.600 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 7.746 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3.403 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác 1.451 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ và chuyển nghề... Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất.