3 giải pháp lớn kích cầu ngành công nghiệp ô tô
Theo số liệu của Bộ Công Thương tính đến năm 2018, ngành sản xuất ô tô trong nước đã có hơn 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô, bao gồm ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi (ô tô ở dạng bán thành phẩm). Đa phần các DN có quy mô vừa và nhỏ, mặc dù vậy, một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu...
Theo đó, tổng công suất lắp ráp thiết kế đến nay đã đạt khoảng 800.000 xe/năm. Nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng trên 200.000 xe/năm.
Bên cạnh đó, các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước cũng đã đạt mục tiêu đề ra đáp ứng cơ bản thị trường nội địa. Cụ thể: Xe tải nhỏ đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 50%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 50% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch.
Tuy đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra 3 nhóm giải pháp chính có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trước hết, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, trong đó khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp: Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký; áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao; điều chỉnh thuế thu nhập DN phù hợp đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư; áp dụng các chính sách về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia với các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các Tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN...