Ngành công nghiệp hỗ trợ cần thích ứng để đón cơ hội Khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2024 |
Nhiều hoạt động kết nối
Triển lãm năm nay tại Osaka, Nhật Bản với sự tham dự của nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp thế giới như Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ, Trung Quốc.
Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp – Cục Công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Quốc tế Osaka, và các doanh nghiệp tham dự Lễ khai mạc Khu gian hàng Việt Nam tại Triển lãm. Ảnh:IDC |
Năm nay, đoàn doanh nghiệp Việt Nam với sự tham dự của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh; Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cùng với đó là 12 doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ và hàng chục doanh nghiệp hàng đầu đang hoạt động trong ngành cơ khí chế tạo, gia công của Việt Nam.
Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka tổ chức đầu tháng 10/2024.
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước thành viên của G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Đặc biệt, Nhật Bản có nhiều thế mạnh có thể giúp Việt Nam trong thời gian tới, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, năng lượng, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ….
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,27 tỷ USD; tuy có giảm 1,6% so với tháng trước nhưng tính chung 8 tháng năm 2024 đạt 16,01 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Thông qua các hoạt động tăng cường hợp tác đầu tư song phương, dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2024 dự kiến hơn 30 tỷ USD.
Nhiều hoạt động kết nối nhà cung cấp của Việt Nam với các công ty Nhật Bản vừa diễn ra tại M-Tech Osaka 2024 và "Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp chế tạo cơ khí Việt Nam – Nhật Bản".
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: “Đây là dịp tốt cho các doanh nghiệp tiếp cận được kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của Việt Nam, không chỉ vậy còn tạo cơ hội cho các công ty giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo ông Cường, để góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cũng như thúc đẩy việc hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) kết hợp cùng với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản trong những năm qua đã tích cực tìm kiếm và tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp qua các buổi hội nghị và các kỳ triển lãm chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Nhật Bản.
Đoàn doanh nghiệp đã có buổi thăm và làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh:IDC |
Cùng với đó, đoàn doanh nghiệp Việt Nam cũng thăm và làm việc tại các nhà máy tại Nhật Bản, giúp doanh nghiệp, nhà cung ứng và các chuyên gia trong ngành tiếp cận với những xu hướng mới, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, các gian hàng của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, bởi Việt Nam là quốc gia đang tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức "Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp chế tạo cơ khí Việt Nam – Nhật Bản" và nhiều hoạt động nhằm kết nối những nhà cung cấp của Việt Nam với các công ty Nhật Bản có văn phòng tại Osaka Nhật Bản đang quan tâm đến việc hợp tác nhập khẩu các mặt hàng cơ khí công nghiệp của Việt Nam; hướng tới phát triển sản xuất gia công theo hợp đồng (OEM/ODM).
Mở rộng thị trường sản xuất, gia công cơ khí chính xác
Theo Cục Công nghiệp, Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, các hoạt động giao thương, tìm hiểu sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ M-Tech Osaka được kỳ vọng đưa hợp tác cơ khí chế tạo Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển thời gian tới, Đặc biệt, sẽ giúp ngành cơ khí chế tạo Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang có sự chủ động tích cực nhằm nắm bắt những cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh mới thông qua hoạt động này. Theo đó, đã có rất nhiều đối tác từ các công ty đến từ nhiều khu vực trên thế giới thăm quan khu gian hàng Việt Nam để tìm hiểu năng lực sản xuất, bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm và các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực gia công cơ khí chính xác trên máy CNC tham dự Triển lãm lần này, ông Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Cơ khí và Thương mại Bình Minh cho biết: Gian hàng mang màu sắc của Việt Nam rất thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài nên các doanh nghiệp tham gia vào gian hàng chung có nhiều tiếng nói hơn, lần tham gia Triển lãm này cũng là cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm của Bình Minh TMC tới tệp khách hàng tiềm năng tại Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao lưu, đàm phán trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật Bản Ảnh:IDC |
Còn theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí chính xác Việt Nhật Tân – đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ trong ngành chế tạo máy công nghiệp, sản phẩm phụ trợ trong ngành công nghệ cao, bán dẫn, đồ gá, thiết bị ngành y tế chia sẻ, Công ty Việt Nhật Tân có được nhiều sự quan tâm từ các đối tác Nhật Bản. Sau triển lãm này, Việt Nhật Tân hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường sản xuất, gia công cơ khí chính xác cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về gia công cơ khí.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn doanh nghiệp Việt Nam cũng thăm và làm việc tại nhà máy của Công ty Koyo, Nhật Bản. Đây cũng là dịp giúp doanh nghiệp, nhà cung ứng và các chuyên gia trong ngành tiếp cận với những xu hướng mới, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, giúp ngành tiến sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.