CôngThương - Dưới đây là các lý do khiến thế giới không còn mặn mà với việc tích trữ đồng bạc xanh, theo tổng hợp của CNBC.
1. Có quá nhiều đôla
Trong 10 tháng qua, chỉ số USD (USD-Index) đã giảm 14% bởi thế giới không ngừng tích lũy đồng USD mà họ không cần đến rồi lại bán đi. Trong đó chủ yếu là các ngân hàng trung ương tại châu Á.
Nhiều ngân hàng trung ương tại châu Á đã phải tham gia vào cuộc chiến để giữ đồng nội tệ của họ khỏi tăng giá, bởi các nhà đầu tư đổ xô đến các thị trường mới nổi. Họ bán đồng nội tệ của họ vào thị trường để giúp xuất khẩu của họ có thể cạnh tranh được.
Đổi lại họ nhận được USD. Tuy nhiên, với chính sách in tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và giá trị của đồng USD liên tục giảm, các nước châu Á đã bán USD họ thu được để giữ giá trị đồng tiền của họ.
2. Sức hút mới từ đồng euro
Ông Neil Mellor tại ngân hàng BNY Mellon nhận xét: “Các ngân hàng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi tiếng với hoạt động đa dạng hóa chặt chẽ tiền tệ. Họ giữ một tỷ lệ đa dạng hóa cực kỳ chặt chẽ.”
Ông Mellyor cho rằng, Trung Quốc và Đài Loan thường cố gắng nhìn xa trong hoạt động đa dạng hóa của họ và thường quan tâm đến thị trường trái phiếu Australia và Hàn Quốc. Tuy nhiên chỉ có hai nơi có thể hấp thu được dự trữ lớn của họ là khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ. Bởi vậy, theo ông, khi khu vực các thị trường mới nổi tăng trưởng tốt, đồng euro sẽ tăng giá.
Ba tháng trước, việc các ngân hàng trung ương ở Châu Mỹ Latin cùng tham gia với các ngân hàng trung ương ở châu Á vào cuộc chiến tiền tệ đã ngày càng trở nên phổ biến.
Trong vòng 10 tháng qua, tỷ lệ hoán đổi giữa đồng euro và đôla tăng 19%. Trên thực tế, euro tăng giá là do ảnh hưởng của hoạt động đa dạng hóa của các ngân hàng châu Á hơn là do những gì đang diễn ra tại các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu - Euro Zone.
Ông Mellor chỉ ra rằng, giao dịch EUR/USD không liên quan đến các thị trường nợ cơ bản. Trên thực tế, biến động của đồng EUR kể từ năm 2001 liên quan trực tiếp đến hoạt động đa dạng hóa của các ngân hàng ương tại châu Á.
3. Các vấn đề Trung Đông
Giá dầu thô tại mỹ đã tăng 30% kể từ “ngày thịnh nộ” hồi tháng 2 tại Libya, lên trên 100 USD/thùng. Ủy ban Năng lượng Quốc tế cho biết các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ thu được lãi ròng khoảng 1.000 tỷ USD một năm.
Việc giới đầu tư không mặn mà với việc nắm giữ đồng bạc xanh và muốn chuyển sang mua và nắm giữ hàng hóa, trong đó có dầu mỏ là do đồng USD tụt dốc so với các đồng tiền chủ chốt khác khiến cho giá dầu và giá các mặt hàng giao dịch chủ yếu bằng đôla tăng lên.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/4 trên thị trường châu Á, giá dầu tiếp tục tăng do đồng USD - phương tiện thanh toán chính trên thị trường dầu mỏ thế giới, tiếp tục lao dốc so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến nhu cầu mua dầu vào để kiếm lời tăng lên.
Trong các phiên gần đây, đồng USD liên tục đi xuống so với với các đồng tiền chủ chốt khác. Thông thường, khi đồng USD mất giá, giá các hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền này thường tăng lên do chúng trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.
Thậm chí, việc đồng bạc xanh yếu đi còn làm lu mờ cả nỗi lo của các nhà đầu tư về việc giá dầu tăng cao có thể khiến nhu cầu về nguyên liệu chiến lược này giảm sút.
Theo các nhà phân tích, tin tức về việc số người thất nghiệp tại Mỹ tăng ngoài dự kiến thêm 27.000 người, lên 412.000 người, trong tuần trước là một tin khá xấu, tiếp tục gây sức ép lên đồng USD. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chậm trễ trong động thái nâng lãi suất cũng ảnh hưởng xấu đến đồng tiền này.