4 tháng cuối năm 2011: Vẫn có nguy cơ thiếu điện
- Tháng 9, tháng 10, các nguồn khí Nam Côn Sơn và PM3 sẽ ngừng, giảm cấp khí để bảo dưỡng sửa chữa. Để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đủ điện những tháng cuối năm, EVN đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vẫn có nguy cơ thiếu điện
Dự báo của EVN, theo phương án cơ sở thì nhu cầu phụ tải 6 tháng cuối năm sẽ đạt 56,949 tỷ kWh, tăng 8,23% so cùng kỳ 2010. Điều kiện lưu lượng nước về các hồ thủy điện 4 tháng cuối năm đạt tần suất 65%, tích nước các hồ thủy điện đạt mực nước dâng bình thường vào cuối năm. Theo phương án dự phòng, nhu cầu phụ tải đạt 57,880 tỷ kWh, tăng 10% so cùng kỳ 2010. Điều kiện nước về hồ đạt tần suất 90% và tiếp tục tích nước hồ thủy điện đạt mực nước dâng bình thường vào cuôi năm.
Ông Phạm Lê Thanh- Tổng giám đốc EVN- cho biết, khó khăn nhất trong việc cung ứng điện là đến nay, các hồ thủy điện phía Bắc không hề xuất hiện lũ lớn mặc dù đang thời gian lũ chính vụ. Tính riêng 2 tháng 7 và 8 tổng lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp. Vì vậy, mặc dù năm 2010 đã được coi là cực kỳ khô hạn nhưng đến nay, mực nước hồ Tuyên Quang và 1 số hồ thủy điện nhỏ ở miền Trung còn thấp hơn cả năm 2010.
Mặt khác, điều đáng lo không kém là tình hình cung cấp khí sẽ không ổn định. Hiện nay, khí Nam Côn Sơn và Cửu Long đang cấp cho các nhà máy điện trung bình 19-20 triệu m3/ngày, Khí PM3 Cà Mau cấp 3,8-4,5 triệu m3/ngày. Thế nhưng, theo kế hoạch của PVN, từ 15 đến 30/9 sẽ giảm cấp khí Nam Côn Sơn và từ 1 đến 14/10 sẽ ngừng cấp khí PM3 cho NMĐ Cà Mau để sửa chữa bảo dưỡng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Theo ông Thanh, nếu nhu cầu cung ứng điện xảy ra theo phương án cơ sở thì 6 tháng cuối năm, nhu cầu điện cần khoảng 56,949 tỷ kWh. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN sẽ phải huy động các nguồn điện chạy dầu khoảng 1,104 tỷ kWh. Về cơ bản, hệ thống có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu nếu các nguồn điện vận hành bình thường, không xảy ra sự cố.
Còn nếu kịch bản xảy ra theo phương án dự phòng, nhu cầu phụ tải 6 tháng cuối năm cần 57,88 tỷ kWh. Riêng 4 tháng cuối năm nhu cầu tăng 931 triệu kWh so với phương án cơ sở, trong khi sản lượng thủy điện giảm 4.508 tỷ kWh do phải tích nước cho năm sau. Giải pháp đưa ra là huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu tới 3,105 tỷ kWh.
Thế nhưng, thực tế vận hành thời gian qua, chế độ chạy dầu của các tổ máy tuabin khí thường không ổn định và ít độ tin cậy. Hệ thống điện lại không có dự phòng, các nhà máy và đường dây, trạm biến áp vận hành rất căng thẳng nên rất dễ xảy ra sự cố. Tuy nhiên, kể cả khi các nguồn vận hành bình thường thì theo phương án dự phòng, tổng sản lượng điện thiếu trong các tháng cuối năm vẫn lên tới 467 triệu kWh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam trong các tháng 9 và 10.
Huy động tối đa các nguồn, đẩy mạnh tiết kiệm điện
Do giá dầu quá cao nên càng sản xuất, EVN càng lỗ, vì vậy, chạy dầu phát điện thường là cứu cánh cuối cùng được tính đến trong trường hợp thiếu nguồn. Tuy nhiên, sự khó nhất còn ở chỗ hiện EVN chẳng biết kiếm đâu ra tiền để đổ dầu mà chạy. Kết quả tài chính của EVN từ 2010 đến nay đã lỗ lũy kế lên khoảng trên 12.000 tỷ đồng (chưa kể chênh lệch tỷ giá). Nợ lũy kế tiện điện của PVN và TKV từ 2010 đến nay cũng đã lên tới 15.000 tỷ đồng. Số tiền vốn lưu động 10.000 tỷ đồng được các Ngân hàng đồng ý cho vay theo bảo lãnh của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa giải ngân được.
Ông Thanh cho biết, nhằm đảm bảo cung ứng cao nhất cho nhu cầu điện những tháng cuối năm, nhất là thời gian giảm, ngừng cung cấp khí, EVN đang chỉ đạo các đơn vị tập trung tích nước các hồ thủy điện miền Nam (Trị An, Hàm Thuận, Đa Nhim, Đại Ninh, Thác Mơ) lên mức cao nhất để huy động tối đa cho miền Nam trong thời gian giảm, ngừng cung cấp khí. Tập trung đưa các nguồn mới (tổ máy 3 thủy điện Sơn La, Uông Bí mở rộng 2, Quảng Ninh 1 Hải Phòng 1) vào vận hành ổn định. Hy động các nguồn chạy dầu. Điều chỉnh kế hoạch sửa chữa 1 số tổ máy lệch với thời gian giảm, ngừng cung cấp khí. Khẩn trương bảo dưỡng, sửa chữa lưới truyền tải đảm bảo vận hành an toàn tin cậy, đặc biệt là TBA 500 kV Phú Lâm, Tân Định, đường dây 500 kV Đắc Nông- Phú Lâm và Pleiku-Di Linh. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ để điều hòa cung ứng điện hợp lý trong trường hợp xảy ra thiếu nguồn.
EVN đồng thời đề nghị các nhà máy thủy điện tăng cường tích nước hồ sẵn sàng các tổ máy cao nhất trong thời gian giảm, ngừng cung cấp khí. EVN cũng đề nghị PVN cố gắng điều chỉnh lượng khí hợp lý, đồng thời giảm tối đa thời gian sửa chữa bảo dưỡng, đảm bảo khả dụng tất các tổ máy chạy khí, dầu của NMDD Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2 trong thời gian ngừng cấp khí Nam Côn Sơn…
Ông Thanh cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có cơ chế giá điện hợp lý hơn. Bởi vì hiện nay giá điện mua vào đang cao hơn giá bán ra khoảng 100 đồng/kWh. Nếu một hộ khá giả dùng 1 triệu đồng tiền điện/tháng sẽ được nhà nước bù giá tự nhiên 100.000 đồng. Trong khi các hộ nghèo chỉ được trợ giá theo chính sách 30.000 đồng/tháng. Điều này rất bất hợp lý. Mặt khác, việc sử dụng điện chưa hiệu quả ở nhiều nhà máy công nghiệp và các đại lộ ở thành phố lớn cũng là những nguyên nhân gây căng thẳng về cung ứng điện.
Chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu EVN và PVN phối hợp chặt chẽ với nhau trong kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng hệ thống cấp khí cho hợp lý. Đồng thời chuẩn bị mọi phương án huy động cao nhất các nguồn để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Riêng thủy điện phải huy động hợp lý nhẳm đảm bảo tích nước hồ cho mùa khô năm sau.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý EVN và các đơn vị, ban ngành phải tích cực thực hiện và tham gia tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, đây không chỉ là giải pháp tình thế trước mắt mà còn là giải pháp lâu dài vô cùng quan trọng để đảm bảo cung ứng điện trong điều kiện đất nước chưa có nguồn dự phòng như hiện nay.
Ngọc Loan