Khuyến công quốc gia: Góp sức cùng ngành dừa của Bến Tre phát triển bền vững Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Theo thông tin từ Cục Công Thương địa phương, năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3396/QĐ-BCT là 130 tỷ đồng/106 đề án, nhiệm vụ cho 38 địa phương, 14 đơn vị và một số nhiệm vụ do Cục trực tiếp thực hiện.
Đến hết ngày 30/6/2024, kinh phí khuyến công quốc gia được phân bổ 45 tỷ đồng. Cục Công Thương địa phương hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn thiện hồ sơ và triển khai đề án đã được phân bổ ngân sách theo quy định; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025.
Phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công thành phố Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc.
Cục Công Thương địa phương phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch khuyến công quốc gia. Ảnh: Thùy Linh |
Thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát các đề án khuyến công quốc gia năm 2022, 2023, Cục đã thực hiện 3 đoàn kiểm tra giám sát tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Hà Giang.
Bên cạnh công tác khuyến công, trong công tác quản lý cụm công nghiệp, Cục Công Thương địa phương đã thẩm định, có ý kiến đối với Phương án phát triển cụm công nghiệp của các tỉnh, thành phố; có ý kiến đối với đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; xử lý kiến nghị của hơn 20 địa phương/cơ quan về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp năm 2023. Tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra tình hình quản lý cụm công nghiệp tại các tỉnh: Đắk Nông, Khánh Hòa, Hà Giang, Tuyên Quang.
Cục cũng đã tổ chức bình chọn và tôn vinh trao Giấy chứng nhận cho 126 sản phẩm, bộ sản phẩm phẩm của hơn 200 cơ sở công nghiệp nông thôn trong khu vực phía Bắc gửi đăng ký tham gia bình chọn.
Hoàn thành Tờ trình báo cáo Lãnh đạo Bộ về xin chủ trương kế hoạch thực hiện Nghị định số 43/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ”...
Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ của Cục luôn triển khai kịp thời, chất lượng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các công việc có liên quan. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện công tác khuyến công, công tác cụm công nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đánh giá kết quả, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khuyến công, cụm công nghiệp tại các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, một số địa phương hiện tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng sáp nhập đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương vào đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh. Việc sáp nhập trên phá vỡ tính thống nhất trong tổ chức hệ thống khuyến công đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia.
Hơn nữa, đến hết tháng 6 năm 2024, kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 mới được phân bổ khoảng 34,6% trên tổng kinh phí năm 2024, do đó ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia của các địa phương.
Để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao của năm, Cục Công Thương địa phương xác định: Về công tác khuyến công, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tiến độ phân bổ ngân sách năm 2024, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giao.
Phối hợp với các tỉnh: Quảng Trị, Kiên Giang chuẩn bị nội dung, chương trình và thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực miền Nam.
Về quản lý cụm công nghiệp, Cục tổ chức kiểm tra, khảo sát công tác quản lý cụm công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố và thực hiện nhiệm vụ hoạt động phát triển cụm công nghiệp khác được giao; tiếp tục xử lý kiến nghị các địa phương, cơ quan/đơn vị về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và thực hiện công tác quản lý cụm công nghiệp khác theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Cục tập trung nhân lực thực hiện nhiệm vụ về công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp, chương trình nông thôn mới và các công tác khác.