Xi măng Văn Hóa.
CôngThương - Các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Quảng Bình luôn kề vai sát cánh cùng với nhân dân tỉnh nhà lập nên những chiến công xuất sắc.
Trong kháng chiến, cán bộ, nhân viên ngành Công Thương Quảng Bình vừa chiến đấu vừa hăng say lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, củng cố hậu phương vững chắc, chi viện cho chiến trường; đảm đương tốt vai trò xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của người dân trên địa bàn. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt trong hơn 25 năm đổi mới và tái lập tỉnh, ngành Công Thương Quảng Bình đã bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh về tài nguyên, nhân lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đã có những bước đi lên vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, ngành Công Thương chiếm trên 63% GDP của tỉnh; các doanh nghiệp trong ngành đóng góp trên 90% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp toàn tỉnh.
Năm 2011 và 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, sản suất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước (năm 2011 tăng 14,5%, năm 2012 tăng 9,1%); bình quân hai năm 2011-2012 tăng 11%.
Sản xuất công nghiệp đã hình thành được các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khẳng định thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường của cả nước và khu vực với các sản phẩm như: xi măng sông Gianh, gạch ceramic, bia, sản phẩm mộc mỹ nghệ, may mặc … Các doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng nhiều công nghệ mới, dây chuyền sản xuất hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẳn có của địa phương để phát triển sản xuất. Đây cũng là các ngành sử dụng nhiều lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề bậc cao, hàng năm thu hút giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được chú trọng phát triển, cùng với phát triển thêm nghề mới, trên địa bàn đã hình thành các doanh nghiệp đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm TTCN trong tỉnh được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp bền vững.
Công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Một số dự án đã hoàn thành đi vào sản xuất và phát huy hiệu quả như: Nhà máy xi măng Sông Gianh, Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng, Công ty cổ phần bia Hà Nội - Quảng Bình, Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2, Nhà máy Phân bón NPK Sao Việt, các nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ... Một số dự án có quy mô lớn đang tiếp tục triển khai như: Xi măng Văn Hóa, bột đá siêu mịn Châu Hóa, que hàn Kim Tín, nâng công suất xí nghiệp May Hà Quảng lên 1.000 công nhân, chế biến gỗ MDF, dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, các dự án cải tạo lưới điện nông thôn… Đặc biệt, dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch có công suất 1.200 MW đã khởi công xây dựng vào tháng 7/2011 dự báo sẽ tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh và thu ngân sách trên địa bàn.
Công tác xúc tiến thương mại đã được triển khai và bước đầu mang lại kết quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 siêu thị được đầu tư và đi vào hoạt động; quy hoạch 3 trung tâm thương mại để kêu gọi đầu tư, hàng năm tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với phát triển công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc. Thị trường xuất khẩu được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 150 triệu USD, bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 38%. Năm 2012, mặc dầu gặp nhiều khó khăn về thị trường giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 126 triệu USD. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, hình thức đa dạng, linh hoạt tạo thuận tiện cho lưu thông hàng hóa, bình ổn giá cả, thị trường từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Một số mô hình mới trong kinh doanh thương mại hiện đại đã và đang hình thành, tạo sự văn minh, tiện ích cho người tiêu dùng như siêu thị, trung tâm thương mại... Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2010 đạt 9.563 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 27,4%. Riêng năm 2012 đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2011. Lực lượng quản lý thị trường đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với những cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần quan trọng bình ổn giá cả, thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành quan tâm và triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt. Thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các loại hàng hóa, dịch vụ trong các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Đồng Hới, các trung tâm huyện lỵ và khu du lịch của tỉnh; các hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí ga hóa lỏng, kinh doanh rượu, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công thương, thời gian qua Sở Công Tthương Quảng Bình không ngừng nâng cao nhận thức, nắm bắt các chủ trương, chính sách, những định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực Công Thương... Từ đó đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng chương trình, đề án phát triển công nghiệp, thương mại phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương trước mắt và về lâu dài. Sở đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động... Công tác cải cách hành chính được Sở Công Thương chú trọng quan tâm, trọng tâm là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc liên quan.
Trải qua chặng đường 62 năm hình thành và phát triển, các đơn vị trong ngành Công Thương Quảng Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Ty Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương; Công ty Phân bón Sông Gianh là đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Nhiều doanh nghiệp trong ngành được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, Hạng hai và Hạng ba, được tôn vinh các danh hiệu cao quý như: Danh nhân Việt Nam tiêu biểu, lá cờ đầu của ngành như: Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty Điện lực Quảng Bình, Công ty cao su Việt Trung, Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại, Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình …
Trong chặng đường đi tới, khó khăn thách thức đối với ngành còn rất lớn. Tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng, thị trường, giá cả tiềm ẩn những bất ổn... Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương Quảng Bình là phải tập trung tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của ngành, tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm việc với Tập đoàn Big C và Sài Gòn Copmart để xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát thị trường giá cả nhằm chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất TTCN và NNNT...
Phát huy truyền thống quý báu mà các thế hệ đi trước, tập thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương Quảng Bình quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 và kế hoạch 5 năm 2011-2015; khẳng định được vai trò, vị trí là ngành trọng điểm tạo động lực phát triển nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.