Khuyến cáo để ở phần…bảo quản
Theo công bố, dòng thực phẩm dinh dưỡng y học PediaSure do Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội công bố và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP. Hà Nội tiếp nhận công bố.
Điều 3, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, định nghĩa: “Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế”.
Abbott để khuyến cáo sữa cho người bệnh ở mục BẢO QUẢN (phần tô xanh), người tiêu dùng cần hết sức thận trọng. |
Nội dung ghi nhãn bắt buộc quy định tại Điều 24, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP yêu cầu trên bao nhãn sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học phải ghi các cụm từ sau: "Thực phẩm dinh dưỡng y học" và "Sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế".
Quy định là vậy, song theo ghi nhận của Vuasanca , trên bao bì dòng sản phẩm PediaSure lại chưa đầy đủ nội dung so với quy định của pháp luật. Trên nhãn dòng sản phẩm này có cụm từ “Bác sĩ nhi khoa khuyên dùng", nhưng không nêu rõ bác sĩ nhi khoa này là bác sĩ nào, đang công tác ở đâu?
Ngoài ra, trên dòng sản phẩm này còn có dòng chữ “Số 1 Hoa Kỳ”. Trong khi đó, quy định tại khoản 11, Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012, cấm: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Đáng chú ý, trên dòng thực phẩm dinh dưỡng y học PediaSure do Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội công bố, các nội dung khuyến cáo còn được đặt ở mục BẢO QUẢN, khiến người tiêu dùng khó quan sát, nếu không tìm hiểu kỹ sẽ không biết khuyến cáo, rất nguy hiểm cho sức khoẻ khi sử dụng sai cách.
Cụ thể, các khuyến cáo của dòng sản phẩm PediaSure gồm “Không sử dụng cho trẻ bị bệnh Galactosemia”, “Không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, trừ khi được Bác sĩ chỉ định”, “Tham khảo Bác sĩ/chuyên viên dinh dưỡng về nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của con bạn” được đặt dưới mục BẢO QUẢN; còn phần CHÚ Ý chỉ thể hiện: “Để tối ưu hiệu quả của vi sinh vật có lợi, nên pha sữa Pediasure với nước sôi để nguội (<37 độ C). Không được hâm nóng Pediasure đã pha bằng lò vi sóng vì có thể gây bỏng”.
Đùn đẩy quanh co
Liên quan tới nội dung trên, phúc đáp Vuasanca tại Văn bản số 1067/CCATVSTP ngày 12/10/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP. Hà Nội xác nhận, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội đã thực hiện đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học và xác nhận nội dung quảng cáo các sản phẩm Pediasure tại chi cục.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đối với sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học Pediasure của Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội có tài liệu chứng minh tại thời điểm đề nghị cấp xác nhận nội dung quảng cáo với nội dung “số 1 Hoa Kỳ” theo đúng quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, tài liệu chứng minh và quy mô nghiên cứu như thế nào thì Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm không nhắc tới.
Đối với nội dung ghi nhãn của sản phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và phù hợp với quy định hiện hành.
Về phía Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội, phúc đáp Vuasanca tại Văn bản số 29-23-DK/ABB ngày 12/19/2023, đơn vị này lại “đá quả bóng” lại cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội dẫn quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 (sửa đổi bổ sung), quy định về nhãn hàng hoá và cho rằng, không có quy định cụ thể về vị trí in các thông tin, cảnh báo trên nhãn.
“Sản phẩm Pediasure kèm nhãn sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký của cơ quan y tế có thẩm quyền và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội khẳng định.
Về một số cụm từ trên nhãn sản phẩm được cho là chưa phù hợp, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội cho biết, sản phẩm Pediasure của Abbott là một sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em được tin dùng trên thế giới và đặc biệt là Hoa Kỳ. Kết quả khảo sát thị trường của công ty IQVIA – công ty nghiên cứu thị trường xác nhận “Pediasure là nhãn hiệu số 1 được bác sĩ nhi khoa khuyên dùng ở Hoa Kỳ”.
“Công ty chúng tôi đã nộp tài liệu này cùng nhãn sản phẩm và các quảng cáo liên quan cho cơ quan y tế có thẩm quyền là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội để xét duyệt theo quy định tại khoản 11, điều 8 Luật Quảng cáo và đã được cơ quan y tế có thẩm quyền cấp phép theo đúng các quy định của pháp luật”, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội cho biết, song cũng không nêu rõ bằng chứng khoa học chứng minh.
Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền hoài nghi về bằng chứng khoa học chứng minh sản phẩm dinh dưỡng y học Pediasure là “nhãn hiệu số 1 được bác sĩ nhi khoa khuyên dùng ở Hoa Kỳ”.
Và, người tiêu dùng cũng có quyền đặt dấu hỏi, vì sao Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội lại để nội dung khuyến cáo dưới phần BẢO QUẢN như vậy?
Ngày 26/10/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Văn bản số 2593/ATTP-NĐTT, chuyển thông tin phản ánh của Vuasanca về một số sản phẩm do Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội công bố, tới Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế TP. Hà Nội) để kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có). |
Vuasanca sẽ tiếp tục thông tin./.