Cẩn trọng với các quảng cáo về thực phẩm có tên Abbott Phát hiện hơn 700 sản phẩm “mạo danh” tinh vi nhãn hiệu Ensure, Glucerna, Abbott Grow… |
Ngày 26/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Văn bản số 2593/ATTP-NĐTT, chuyển thông tin phản ánh của Vuasanca về một số sản phẩm do Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội công bố, tới Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế TP. Hà Nội) để kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có).
Trước đó, ngày 5/9/2023, Vuasanca có Văn bản số 441/BaoCT-BĐ, gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hà Nội), về việc phối hợp kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của bạn đọc về các sản phẩm của Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội công bố.
Bộ Y tế vừa có văn bản chuyển phản ánh của Vuasanca về một số sản phẩm có tên Abbott tới Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội để xác minh, xử lý. |
Trong đó, đề cập 6 nhóm nội dung, liên quan tới 5 dòng sản phẩm, gồm “Thực phẩm dinh dưỡng y học” Pediasure; “Sản phẩm dinh dưỡng” Abbott Grow và Similac; “Thực phẩm bổ sung” Abbott Grow và Similac được bạn đọc cho rằng có nhãn mác và cách thức quảng bá chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ngày 12/10/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) có Văn bản số 1067/CCATVSTP, phúc đáp một trong các nội dung Vuasanca đề cập. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở này xuất trình được giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân người nước ngoài tại Việt Nam; Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và bản tự công bố của các sản phẩm thực phẩm; Văn bản uỷ quyền số 48-20-ĐK/ABB ngày 29/10/2020 cho Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) được sử dụng các bản công bố cho mục đích nhập khẩu, kinh doanh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm dẫn báo cáo của đại diện cơ sở này cho biết: “Văn phòng đại diện Laboratories GmbH tại Hà Nội không có website, không quảng cáo sản phẩm thực phẩm dưới mọi hình thức. Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội có xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm Pediasure và uỷ quyền quảng cáo cho Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) và Văn phòng đại diện Abbott Laboratories GmbH tại TP Hồ Chí Minh”.
Như vậy có thể hiểu, tất cả các quảng cáo liên quan tới các sản phẩm là thực phẩm của Abbott trên Youtube, Facebook, các trang web và các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tại Việt Nam đều không phải do Văn phòng đại diện Laboratories GmbH tại Hà Nội thực hiện.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những quảng cáo không chính thống, chưa được kiểm duyệt, tiềm ẩn thông tin chưa phù hợp trên mạng để chọn mua các sản phẩm là thực phẩm có tên Abbott hoặc gần giống. Bởi đây có thể là quảng cáo của các đối tượng lừa đảo, giả mạo Abbott để lừa bán các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trong buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường mới đây, bà Vũ Thị Hồng Yến, luật sư điều hành - Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, người đại diện sở hữu công nghiệp của Abbott tại Việt Nam xác nhận có thực tế này.
Cụ thể, qua xác minh, khảo sát thực tế tại thị trường trong nước, Abbott Việt Nam đã phát hiện hơn 700 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Abbott.
"Khoảng hơn 100 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xâm phạm quyền của Abbott tại Việt Nam”, bà Yến thông tin và cho rằng, các hình thức xâm phạm rất tinh vi, chuyên nghiệp.
Đến thời điểm hiện nay, Abbott Việt Nam chưa phát hiện ra hàng giả, tuy nhiên, chất lượng của các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Abbott Việt Nam là rất đáng lo ngại, bởi đối tượng sử dụng các sản phẩm của Abbott chủ yếu là người già, người có bệnh và các em nhỏ.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh, quảng cáo sản phẩm của Abbott tại Việt Nam, ngày 12/9/2023, Vuasanca nhận được phản hồi của Trưởng Đại diện Văn phòng đại diện Laboratories GmbH tại Hà Nội Cruz Bella Rose, tại Văn bản số 29-23-ĐK/ABB.
Do còn một số nội dung chưa rõ, nên phóng viên Vuasanca đã gửi email trao đổi và ngày 29/9/2023, Vuasanca tiếp tục có Văn bản số 483/BCT-BĐ, gửi Văn phòng đại diện Laboratories GmbH tại Hà Nội, nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi.
Tiếp đó, Vuasanca đã có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP. Hà Nội đề nghị làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm (nếu có) cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của Abbott và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong văn bản phản hồi Vuasanca , Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông báo kết quả xử lý vụ việc về Cục để tổng hợp.
Vuasanca sẽ tiếp tục thông tin./.