Nhiều sáng kiến giảm thiểu túi dùng một lần
Từ năm 2014, khi trung tâm mua sắm đầu tiên được khai trương tại Việt Nam, tất cả các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng của AEON Việt Nam đều sử dụng túi bao gói hàng hóa (carrier-bag) được làm từ nhựa phân hủy sinh học (PHSH). Đến cuối năm 2021, tỷ lệ túi PHSH của AEON Việt Nam chiếm 95% và dự kiến đến hết năm 2022 sẽ đạt 100%.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ- Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam - cho biết, AEON Việt Nam đã có nhiều sáng kiến trong việc giảm thiểu túi PHSH nói riêng và các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung. Theo đó, AEON Việt Nam đã triển khai quầy thanh toán ưu tiên cho khách hàng không dùng túi PHSH; tối ưu hóa quy trình bao gói hàng hóa, giảm lượng túi PHSH từ 5 túi xuống còn 3 túi/giao dịch; nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân viên của AEON Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo về môi trường hàng năm cũng như truyền thông đến tất cả khách hàng khi mua sắm tại các địa điểm kinh doanh để khuyến khích khách hàng tạo thói quen không dùng túi nhựa một lần, sử dụng túi riêng khi mua sắm v.v.
Đặc biệt, từ ngày 5/5/2022, AEON Việt Nam đã triển khai sáng kiến “Cho thuê túi môi trường” với khoản tiền đặt cọc trị giá 5,000đ, khách hàng sẽ được hoàn tiền khi trả túi vào lần mua sắm sau. Sáng kiến này hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định có ý thức về môi trường một cách tiện lợi và dễ dàng hơn. Đồng thời, AEON Việt Nam cũng đã thay thế tô, khay chứa thực phẩm chế biến sẵn từ xốp, nhựa dùng một lần sang vật liệu thân thiện môi trường như: Bã mía, giấy…
Xây dựng chuỗi cung ứng phù hợp
Cũng theo bà Ngọc Huệ, tại Nhật Bản, AEON có nhãn hàng riêng TOPVALU, dòng sản phẩm GREENEYE với một loạt các sản phẩm được chứng nhận bền vững bởi các tổ chức như: FSC (Hội đồng Quản lý rừng thế giới), MSC (Hội đồng Quản lý Hàng hải thế giới), ASC (Hội đồng Quản lý Nông nghiệp thế giới). “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng gia tăng dòng sản phẩm này tại các địa điểm kinh doanh của AEON Việt Nam” - bà Ngọc Huệ cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc Huệ thì việc triển khai các sản phẩm dán nhãn sinh thái tại Việt Nam hiện đang gặp phải một số rào cản như: Chi phí sản xuất các sản phẩm sinh thái, bền vững vẫn cao hơn sản phẩm bình thường, từ đó giá thành đến tay người tiêu dùng cũng cao hơn. Khái niệm và thông tin về các sản phẩm bền vững và sinh thái còn chưa phổ biến. Số lượng sản phẩm được dán nhãn sinh thái trên thị trường còn khá khiêm tốn, vì thế dù các nhà bán lẻ muốn quảng bá cho nhóm sản phẩm này thì hiệu quả cũng chưa được ấn tượng và nổi bật. Ngoài ra, đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, các tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận sinh thái chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng khi triển khai.
Để tăng tỷ lệ sản phẩm được dán nhãn sinh thái đến tay người tiêu dùng, theo bà Ngọc Huệ, mỗi bên liên quan trong chuỗi cung ứng đều cần có những thay đổi và đồng bộ thực hiện. Về phía Chính phủ đó là hỗ trợ thúc đẩy thay đổi và cập nhật các chính sách liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Những chính sách này sẽ mở đường cho các nhà sản xuất và phân phối mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư công nghệ... từ đó giúp các sản phẩm/nguyên liệu sinh thái dễ tiếp cận với người tiêu dùng (NTD) hơn. Về phía nhà sản xuất thì cần đẩy mạnh và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm sinh thái đáp ứng được nhu cầu và thói quen tiêu dùng của NTD Việt Nam. Ngoài ra, các nhà sản xuất cần liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành để được hỗ trợ chứng nhận sinh thái.
Cần có các chương trình và sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức NTD về các sản phẩm bền vững, cũng như hỗ trợ NTD trong việc đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường. |