ASEM thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0
Hội thảo nhằm mục tiêu: thúc đẩy nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế số, thực trạng, vai trò và tác động, thách thức và cơ hội, cũng như xem xét cách chuyển hóa tiềm năng thành hiện thực; xem xét cách thức các thể chế, chính sách và quy định có thể được tiếp cận và chuyển đổi để theo kịp sự chuyển đổi của kỹ thuật số phục vụ cho sự kết nối và tăng trưởng bền vững; và chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tận dụng lợi thế của nền kinh tế số ở nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như: thương mại điện tử, công nghệ, tài chính, đổi mới.
Hội thảo còn là dịp để đại diện các nước thành viên ASEM chia sẻ những bài học thành công, cũng như các rào cản đang gặp phải trong quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc phát triển kinh tế số, qua đó các thành viên cùng thảo luận và khởi xướng các ý tưởng quan trọng để thúc đẩy lợi ích do nền kinh tế số mang lại.
Đại diện các nước thành viên tham gia hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, diễn ra sáng 18/1 tại Hà Nội |
Thực tế cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua. Cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng.
Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng 4.0 góp phần đáng kể vào việc dịch chuyển nền kinh tế số trên toàn cầu. Hiện có 1/2 dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, 1/3 trên mạng xã hội, 53% qua điện thoại di dộng và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ. Ước tính doanh thu thị trường CNTT và truyền thông kỹ thuật số ở riêng châu Âu dự kiến đạt khoảng 1.085 tỷ EUR trong năm 2019. Nền kinh tế số rõ ràng hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, song song với đó là những thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số, đó là: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ, của người dân ở các quốc gia khác nhau.
Phiên thảo luận giữa các diễn giả và đại biểu |
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian, thảo luận về vấn đề, làm thế nào để những nơi vùng sâu, vùng xa tham gia vào quá trình này.
Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam – ông Gareth Ward, tận dụng những ưu việt của công nghệ fintech và thương mại điện tử, làm thế nào để “địa phương hóa” thông tin là việc cần làm. Các quy định về pháp lý chỉ giải quyết những vấn đề đã qua chứ không giải quyết bài toán trong tương lai.
Bà Jane Trendwel, Ngân hàng Thế giới gợi ý, để thu hẹp khoảng cách với các vùng sâu, vùng xa thì các quốc gia cần thúc đẩy đầu tư phát triển thông qua hình thức công – tư, thông qua các hợp đồng lâu dài, đồng thời có thể sử dụng công nghệ vệ tinh để lấp đầy khoảng cách.
Giáo sư, tiến sĩ Tzong Ru Lee, đại học quốc gia Chung Hsing nêu ví dụ cụ thể, như một nông dân ở một vùng quê, anh ta có thể sử dụng một thiết bị thông minh như điện thoại, để kết nối thông tin với toàn cầu, tìm hiểu và nắm bắt thông tin về lĩnh vực mình đang sản xuất, nuôi trồng, từ kỹ thuật đến thị trường. Như vậy, khoảng cách vùng, miền sẽ không còn nữa.
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada và jd.com cũng đã trình diễn và giới thiệu về các nền tảng thương mại điện tử với những ưu điểm nổi trội, xóa nhòa khoảng cách nhờ công nghệ và cách mạng 4.0.