Hoạt động giám định tài sản của Bảo hiểm Pjico luôn được khách hàng tin tưởng |
Theo đó, tổng giá trị tài sản được bảo hiểm từ năm 2011 đến hết năm 2015 là 11,7 triệu tỷ đồng. Riêng tổng giá trị tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp (DN) hơn 10 triệu tỷ đồng; tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (1 triệu tỷ đồng), lĩnh vực bảo hiểm y tế và sức khỏe (700.000 tỷ đồng).
Thống kê đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm; tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của DN bảo hiểm ước đạt 130.391 tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với năm 2010.
Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - bổ sung: Giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp hơn 4.975 tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN cho ngân sách nhà nước. Trong đó, DN bảo hiểm nhân thọ đóng góp hơn 2.572 tỷ đồng; DN bảo hiểm phi nhân thọ đóng góp hơn 2.403 tỷ đồng. Nhìn chung, DN bảo hiểm đã góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường bảo hiểm đã làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho nền kinh tế. Hiện đã có khoảng 80% công trình thi công đã được mua bảo hiểm. Số vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của DN bảo hiểm đến hết năm 2015 khoảng 157.266 tỷ đồng, tăng 1,99 lần so với năm 2010. Đặc biệt, DN bảo hiểm hiện sở hữu 50% trái phiếu Chính phủ và với các loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 20 – 30 năm trở lên, con số này là 100%.
Năm 2016 - năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2020. Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là rà soát, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật kinh doanh bảo hiểm; xây dựng, đề xuất chính sách thúc đẩy DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội như: Bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện hỗ trợ DN bảo hiểm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối; thúc đẩy thị trường duy trì mức độ tăng trưởng tích cực, ổn định; tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao tính an toàn của hệ thống, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các DN; tiếp tục thực hiện nhóm giải pháp phát triển thị trường nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tổng cộng 61 DN kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 17 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm. |