Ông Trương Văn Thôi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) - cho biết, nhu cầu sử dụng năng lượng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng cao, điện thương phẩm năm 2019 đạt khoảng 6,84 tỷ kWh, tăng khoảng 7% so với năm 2018. Theo quy hoạch đến năm 2020, điện thương phẩm đạt 8,846 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện thương phẩm trung bình hàng năm đạt 14,5%/năm. Việc đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh BR-VT trong thời gian tới là hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các nguồn năng lượng đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo là bức thiết và cần sớm được triển khai.
Theo ông Thôi, trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có 11 dự án điện mặt trời của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 397,4 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.668 tỷ đồng, trong đó 5 dự án điện mặt trời (268MW) đang triển khai; 5 dự án (96,9MW) hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư. Ngoài ra còn có 5 dự án điện mặt trời điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực với 204MWp, tổng mức đầu tư khoảng 5.553 tỷ đồng và 1 dự án điện gió với 102,6MW, mức đầu tư khoảng 4.725 tỷ đồng đã trình Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Thiết bị năng lượng mặt trời trên mái nhà của Công ty Tong Hong Việt Nam do Solar ESCO lắp đặt |
Ngày 3/7, Nhà máy Thuộc da Tong Hong Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT) đã đóng điện hệ thống điện mặt trời công suất 460 kWp. Dự án do Công ty Cổ phần Solar ESCO (Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa) hợp tác phát triển và đầu tư dự án điện mặt trời lắp trực tiếp trên mái nhà Tong Hong từ nguồn vốn của Solar ESCO.
Ông Chen Chun Chi - Phó Tổng giám đốc Tong Hong Việt Nam - cho biết, với công suất 460 kWp, dự án sản sinh khoảng 679,530 kWh/năm. Khi hệ thống điện mặt trời vận hành sẽ giảm phát thải khoảng 587 tấn CO2/năm. Vừa không mất tiền đầu tư ban đầu, Tong Hong còn tiết kiệm được ít nhất 5% chi phí trên mỗi kWh điện. Sau 15 năm, Solar ESCO sẽ tiến hành bàn giao lại hệ thống điện mặt trời và Tong Hong tiếp tục được khai thác sử dụng thêm 10-15 năm sau đó.
Đại diện Công ty Điện lực BR-VT cho hay, đến thời điểm này đã có 218 hộ gia đình, DN trên địa bàn tỉnh BR-VT lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tổng công suất là 1.439kWp. Đầu tư 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 5,32kWp, sản sinh ra hơn 638kWh/tháng, ông Phạm Văn Lý (ngụ tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) chia sẻ, hệ thống điện mặt trời áp mái mang lại gần 1,9 triệu đồng/tháng, so với dùng điện của Nhà nước (tiền điện hơn 1,2 triệu đồng/tháng) gia đình vừa không tốn tiền điện vừa có tiền thêm nhờ bán lượng điện dư cho ngành điện.
Để phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững, ông Trương Văn Thôi cho biết, ngành Công Thương tỉnh BR-VT đang phối hợp với các sở ngành trung ương và địa phương góp ý về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả. Thúc đẩy đầu tư phát triển năng lượng tái tạo với giá cả hợp lý, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo lộ trình, không thu hút đầu tư các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình tự trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để về lâu dài tiết kiệm chi phí tiền sử dụng điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.