Bắc Giang: Ưu tiên đổi mới và ứng dụng thiết bị tiên tiến
Trong tháng 7/2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang đã tiến hành nghiệm thu 4 đề án thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng, đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất trà dược liệu, thực hiện tại Hợp tác xã Hằng Anh (xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế) có tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này đối tượng thụ hưởng đã đầu tư 1 máy đóng gói tự động. Theo đại diện Hợp tác xã Hằng Anh, máy móc, thiết bị mới được đầu tư góp phần đưa doanh thu của hợp tác xã đạt trên 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã Hằng Anh được hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị đóng gói tự động |
Đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất cơ khí thực hiện tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất cơ khí QTH (thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) cũng đã được trung tâm phối hợp thực hiện và nghiệm thu hoàn thành. Đề án có kinh phí đầu tư 310 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng. Thiết bị mới được đầu tư là máy cắt dây CNC được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, sản phẩm tạo ra có độ chính xác cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, 2 đề án còn lại gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong bảo quản nông sản thực hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thúy (thị trấn Phồn Xưởng, huyện Yên Thế) và Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất trà hoa vàng, thực hiện tại Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (xã Trường Sơn, huyện Lục Nam) đều đã hoàn thành, thiết bị đầu tư mới vận hành ổn định, giúp tăng doanh thu và lợi cho đối tượng thụ hưởng.
Mục tiêu mà khuyến công Bắc Giang đang theo đuổi dài hạn là: Trợ sức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện đại sản xuất, từ đó xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm; từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen, phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để áp dụng công nghệ, phương pháp, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế, những năm qua, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất luôn là nội dung luôn được khuyến công Bắc Giang ưu tiên nguồn kinh phí cho triển khai thực hiện. Chỉ riêng kế hoạch khuyến công địa phương năm 2021, nội dung này chiếm 12/21 đề án, 2/3,5 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ.
Được biết, ngoài ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện, để đảm bảo hiệu quả các đề án, khuyến công Bắc Giang lựa chọn đối tượng thụ hưởng hoạt động trong các ngành, nghề có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, áp dụng công nghệ sạch, có khả năng nâng cao giá trị gia tăng và đóng góp lớn cho xuất khẩu… Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày thuộc đối tượng ưu tiên nhưng tập trung hỗ trợ vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản...
Năm 2021, khuyến công Bắc Giang có kế hoạch thực hiện 21 đề án khuyến công, kinh phí hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, bao gồm 5 nội dung, trong đó xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất là nội dung chiếm phần lớn nguồn kinh phí và đề án. |