Vai trò của khối doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Bắc Ninh: 90% kiến nghị của người dân trên môi trường số được giải quyết |
Trong tháng 9/2023 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 30,6 tỷ USD. Trong đó, Bắc Ninh trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 4,2 tỷ USD, vượt cả TP. Hồ Chí Minh (đạt 3,4 tỷ USD).
Lần đầu tiên, tỉnh Bắc Ninh đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước |
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu với 31,1 tỷ USD. Bắc Ninh xếp vị trí thứ hai với 28,6 tỷ USD.
Cùng với tin vui trong xuất khẩu, tình hình xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn cũng có nhiều triển vọng tích cực. Báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh cho thấy: Tháng 9/2023 (tính từ ngày 19/8 - 18/9/2023), đã cấp mới 10 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 39,2 triệu USD; cấp 38 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, trong đó có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 83,23 triệu USD. Với kết quả này đã nâng tổng số dự án thu hút trong 9 tháng năm 2023 là 91 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 1.308,34 triệu USD.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ các doanh nghiệp được chọn mẫu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh trong quý III/2023 cho thấy có xu hướng kinh doanh tốt hơn so với quý II. Cụ thể, quý III/2023 có 31% doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh tốt lên, trong khi đó, ở quý II chỉ đạt 24%. Cũng trong quý III/2023, có 29,2% doanh nghiệp giữ vững ổn định.
Nhận định của các doanh nghiệp, dự kiến quý IV/2023, có 36,8% đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III; 26,3% dự báo khó khăn hơn và 36,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Kết quả này là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của địa phương: Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức thành công Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc bộ; đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, hộ kinh doanh; hội nghị xúc tiến đầu tư với gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử đến từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)...
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, đơn vị thông qua việc ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; thành lập các đoàn công tác tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu...; Tổ công tác đặc biệt và 5 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi còn có những khó khăn, thách thức lớn như ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, Bắc Ninh là tỉnh có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các ngành sản xuất công nghiệp phải chịu tác động mạnh từ diễn biến quốc tế.
Do vậy, những tháng cuối năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước...;
Các cơ quan, đơn vị rà soát nhiệm vụ chi, nguồn kinh phí đã bố trí trong dự toán, báo cáo cấp có thẩm quyền để thu hồi, điều chuyển sang nhiệm vụ khác chậm nhất ngày 5/11/2023.
Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí trong dự toán; xem xét đánh giá khả năng thanh toán, đề xuất điều chuyển vốn sang dự án có thể giải ngân ngay. Báo cáo những trường hợp vướng mắc gửi cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, đề xuất phương án xử lý.
Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án kết cấu hạ tầng, các công trình, dự án trọng điểm: Dự án đường vành đai 4, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...
Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt và 5 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất thấp thông qua chính sách, nghị định của Chính phủ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tận dụng chính sách ưu tiên về thuế đang được Nhà nước hỗ trợ. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025.
Hỗ trợ các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong công tác đầu tư, xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp Hanaka, Vsip, Thuận Thành I; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hanaka hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Thực hiện phương án xử lý đối với các khu liền kề, khu phát triển và Cụm công nghiệp Tân Hồng – Hoàn Sơn. Tiếp tục đôn đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Tổng công ty Viglacera - CTCP hoàn thiện thủ tục liên quan; đồng thời làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư.