Bài 2 - Làng nghề truyền thống và du lịch: Đường ai nấy đi
Thiếu tính liên kết
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam, làng nghề Quảng Nam còn khá nhiều điểm yếu. Trong đó, thiếu liên kết là một yếu điểm dễ nhận thấy. “Liên kết giữa làng nghề với làng nghề còn rời rạc. Liên kết giữa làng nghề truyền thống với du lịch còn lỏng lẻo, mới dừng ở mức kêu gọi, đúng hơn là chưa có sự liên kết nào đáng kể”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nói và cho rằng việc liên kết không hề dễ dàng đến từ nhiều nguyên nhân.
Du lịch và làng nghề truyền thống còn "mạnh ai nấy làm" |
Hạ tầng giao thông là yếu tố cản trở đầu tiên trong gắn kết du lịch với làng nghề. Quảng Nam có 2 di sản thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam chủ yếu đến từ 2 địa danh này. Trong khi, đa số các làng nghề của tỉnh Quảng Nam đều nằm sâu trong làng, không nằm trên tuyến đường du lịch kết nối Đà Nẵng với Hội An, Hội An với Mỹ Sơn.
Bên cạnh đó, mặc dù ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định “Làng nghề là một nét riêng đặc sắc của du lịch quảng Nam, khi không còn làng nghề nữa, du lịch tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn”, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các đơn vị, công ty lữ hành không mấy mặn mà xúc tiến các tour tuyến đưa khách về làng nghề.
Một lý do nữa đến từ các làng nghề đó là các sản phẩm của làng nghề truyền thống hiện chủ yếu mới dừng ở việc chú trọng đến kỹ thuật, chưa theo kịp nhu cầu người tiêu dùng vì vậy giá thành sản phẩm vẫn còn cao. “Tổ chức JICA đã có làm việc với làng nghề Quảng Nam. Họ rất hài lòng với những sản phẩm điêu khắc tinh xảo của mỹ nghệ Quảng Nam. Nhưng họ khuyến nghị, để phục vụ du lịch và sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn thì đòi hỏi sản phẩm phải nhỏ, gọn, giá cả chỉ dưới 200 nghìn đồng/sản phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nói.
Ngoài ra, có rất ít nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam đến với khách du lịch. Hiện nhà trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam đang trưng bày và bán sản phẩm của 16 làng nghề của tỉnh. Các sản phẩm thủ công rất được du khách ưa chuộng, chủ yếu là khách châu Âu, những du khách yêu thích sản phẩm thủ công mỹ nghệ thực thụ.
Các làng nghề truyền thống Quảng Nam còn bị động trong việc hướng đến sản phẩm của mình sẽ phục vụ du lịch. Mặc dù xác định sự tồn tại và phát triển của làng nghề gắn liền với du lịch nhưng các doanh nghiệp làng nghề chưa biết nhiều đến kết nối với các dịch vụ du lịch. Đơn giản như đăng ký TripAdvisor (website du lịch phổ biến và lớn nhất thế giới) các doanh nghiệp, đơn vị làng nghề cũng chưa biết đến và tham gia.
Những “sợi dây” gắn kết mỏng manh
Những ngày tháng 8, cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) đã đón những đoàn khách du lịch đầu tiên đến tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống. Các du khách nước ngoài hào hứng với nghề truyền thống một thì nghệ nhân làng nghề vui gấp nhiều lần, vì những tour khách đầu tiên này cũng mở ra hi vọng về sự kết nối mới giữa du lịch với cụm làng nghề Đông Khương.
Du khách tham quan và mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam tại cửa hàng trưng bày của hiệp hội làng nghề tại TP. Hội An |
Trên thực tế, tour trải nghiệm làng nghề đã được hình thành gần 2 năm. Đây là tour du lịch hiếm hoi tại Quảng Nam để du khách trải nghiệm nghề truyền thống của các làng nghề Quảng Nam. Và tour du lịch này cũng do một nghệ nhân tâm huyết của làng nghề theo đuổi thực hiện. Đó là nghệ nhân Lê Phước Tiến – nghệ nhân khắc chữ tre nổi tiếng của Quảng Nam.
Tour trải nghiệm làng nghề được nghệ nhân, kiêm hướng dẫn viên, kiêm quản lý nhà trưng bày sản phẩm thủ công xứ Quảng Lê Phước Tiến thực hiện với mục đích lớn nhất đó là gìn giữ và phát huy giá trị, tinh hoa của di sản làng nghề, kéo làng nghề và du lịch lại gần nhau hơn.
Khi mới bắt đầu thí điểm, tour làng nghề đưa du khách về các điểm gần với phố cổ Hội An như làng rau Trà Quế, làng dừa lá Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà, sau dần mở rộng ra các làng thuận lợi giao thông như làng chiếu Bàn Thạch, làng bánh tráng, làng đúc đồng… Tuy nhiên, để kết nối mạnh hơn các làng nghề, cũng như thúc đẩy các làng nghề phát triển trong bối cảnh công nghiệp hóa, thương mại hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 mạnh mẽ, để các làng nghề không bị tụt lại phía sau, từ vài tháng trở lại đây, ông Tiến đã đưa những đoàn khách đầu tiên về trải nghiệm nghề truyền thống cụm làng nghề Đông Khương.
Cũng theo ông Tiến, phần lớn khách tham gia tour làng nghề là du khách nước ngoài (khách châu Âu, Bắc Mỹ) lưu trú tại Hội An. Cũng do giao thông không thuận lợi nên phương tiện di chuyển cho du khách trong tour này sẽ là xe máy hoặc xe Jeep.
Mong muốn của nghệ nhân Lê Phước Tiến là sẽ duy trì được và phát triển mạnh hơn tour làng nghề, mua sắm tại làng nghề để tìm lại vị trí của làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Một cây làm chẳng lên non”, để phát triển được nhiều tour trải nghiệm làng nghề, theo nghệ nhân lê Phước Tiến, cần có sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong việc vận động các đơn vị du lịch, lữ hành đưa khách về các làng nghề, các đơn vị sản xuất thủ công để tham quan mua sắm, tạo ra nguồn thu cho làng nghề, nuôi nghề và vực dậy làng nghề.
Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, tỉnh Quảng Nam cần sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông để việc thuận lợi cho việc đưa khách du lịch đến làng nghề. “Khi xây dựng cơ sở mộc mỹ nghệ tại cụm làng nghề Đông Khương, tôi đã tính đến chuyện liên kết du lịch. Đơn vị cũng đang định hướng làm ra những sản phẩm gọn, nhẹ để phục vụ du lịch”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ và đề xuất cần có sự hỗ trợ của đơn vị du lịch, lữ hành về các làng nghề để hướng dẫn cho các làng nghề cách làm du lịch, sản phẩm phục vụ du lịch. Ngoài ra, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của “con dấu xác thực” trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cũng như gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP".