Lại phát hiện hàng hiệu giả mạo tại Trung tâm thương mại Saigon Square "Trận đánh" hàng giả tại Saigon Square: Đại biểu Quốc hội nói gì? |
Làm kiên quyết với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Mới đây, Vuasanca và một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai tại Trung tâm thương mại Saigon Square, thuộc Quận 1.TP.HCM. Hiện tượng này đã tồn tại từ lâu song sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố còn hạn chế trong việc xử lý dứt điểm.
Việc hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai tại Trung tâm Thương mại Saigon Square suốt thời gian dài khiến lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường trăn trở, quyết tâm chấn chỉnh.
Theo nguồn tin của Vuasanca , ngày 01/11/2022, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Saigon Square có địa chỉ số 77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM.
Qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh tại đây có dấu hiệu buôn bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, lực lượng Quản lý thị trường đã lập biên bản các cơ sở kinh doanh buôn bán các sản phẩm sản phẩm gồm: mắt kính, gọng kính, túi xách, túi đeo, ví, giày, dép, dây thắt lưng... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Hermes, Chanel, The North Face, Michael Kors, Burberry, Gucci, prada, YSL, Porsche, Coach, Valentino...
Lực lượng Quản lý thị trường làm việc với một chủ cơ sở vi phạm |
Qua kiểm tra, bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh tại đây có các hành vi vi phạm như bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu, không đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng quản lý thị trường, đã có thêm sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy cơ quan chức năng rất quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát và từng bước tiến tới xóa sổ những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước".
Điều này được thể hiện khi theo phản ánh với sự có mặt của lực lượng Quản lý thị trường, hơn 90% ki ốt, cửa hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square đóng cửa nhằm đối phó. Tại Trung tâm Saigon Square rất nhiều ki ốt đều đóng chặt cửa, có khóa bên ngoài, rất khác thường so với hình ảnh, tấp nập “người mua kẻ bán” so với trước kia.
Song không phải vì thế mà lực lượng Quản lý thị trường “chùn bước”, bởi hành động “đột kích” vào Trung tâm thương mại Saigon Square lần này với quyết tâm rất cao là triệt xóa cho được “thủ phủ” hàng giả tại đây. Cộng với việc chưa có trong tiền lệ là niêm phong các gian hàng để truy vết tới cùng hàng giả, hàng nhái, vì vậy, ngay trong những ngày nghỉ nhưng lực lượng Quản lý thị trường vẫn tiếp tục “tung quân” với phương châm “mở ki ốt nào là làm ki ốt đó” để tiếp tục phát hiện, kiểm đếm hàng hóa vi phạm, không cho hàng giả còn chỗ đứng tại nơi được gọi là “biểu tượng mua sắm” của Sài thành.
Với việc làm liên tục, bất chấp cả ngày nghỉ của lực lượng Quản lý thị trường cho thấy, đợt ra quân triệt phá “vương quốc” hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm Saigon Square không phải là “khua chiêng, đánh trống, ghi tên” mà quyết tâm làm thật, không có chuyện “làm hời hợt” theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như những lần trước để hàng giả, hàng vi phạm nhãn mác không còn chỗ đứng.
Cùng với sự quyết tâm của lực lượng Quản lý thị trường, ý thức của các tiểu thương tại Trung tâm thương mại Saigon Square chắc chắn sẽ phải thay đổi. Sẽ không có cảnh buôn bán cầm chừng để đối phó với những cuộc “kiểm tra qua ngày” và đóng cửa là “hết chuyện” để rồi sau đó lại buôn bán như trước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc”. Vận dụng sáng tạo vào tư tưởng của Người, lực lượng Quản lý thị trường đã hàng động với quyết tâm làm nghiêm, kiên quyết không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết. Đây chính là ứng dụng nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng và phương châm ứng xử trong hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần "dĩ bất biến" để ứng phó với vạn "biến" hàng giả, nhái ở các ki ốt. Đã đến lúc tất cả phải thay đổi!
Phát huy sự chủ động, sáng tạo của mô hình quản lý
Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đó là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận; là bước phát triển có ý nghĩa cách mạng trong nhận thức và hành động của Đảng với những chủ trương, đường lối mang tính đột phá.
Trong “cuộc chiến” của lực lượng Quản lý thị trường với hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square cũng vậy. Với phương châm “không dừng, không ngừng, không nghỉ”, làm cả ngày nghỉ, Tổng cục Quản lý thị trường đã “dám” nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức và đề ra những phương châm hành động để “tấn công”, truy quét tới cùng các “hang ổ”. Trước sự việc này, TS.Lê Đăng Doanh bày tỏ hoan nghênh hành động của Tổng cục Quản lý thị trường nói riêng và Bộ Công Thương nói chung trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái thông qua đợt ra quân tại Trung tâm thương mại Saigon Square cũng như rất nhiều vụ việc bắt giữ liên quan đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái thời gian vừa qua.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra liên tục các cơ sở tại Trung tâm Saigon Square |
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc truy quét vào Trung tâm Saigon Square, nơi có thể được coi là “thành trì”, “ung nhọt” của vấn nạn hàng giả, hàng nhái có thể được coi là quyết tâm rất lớn và dám nhìn thẳng vào sư thật để làm lành mạnh hóa thị trường trong mắt bạn bè thế giới. Điều này là rất cần thiết, bởi nó không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thị trường, mà còn mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam có thể hội nhập vào kinh tế thế giới. Bởi nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển và hội nhập được, nếu như vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn không được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh được biết, sau đợt ra quân của Tổng cục Quản lý thị trường tại Saigon Square thì nhiều cửa hàng tại đây đã tự động đóng cửa vì họ nhận thức được rằng không thể kinh doanh trên cơ sở hàng giả, hàng nhái được. Điều đó sẽ tạo tác động tốt đối với việc ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ tại Saigon Square mà còn tại nhiều nơi khác.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, từ trước đến nay, Bộ Công Thương nói chung và Tổng cục Quản lý thị trường nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực đặc biệt những dịp lễ hội và dịp cuối năm. Từ vụ việc "đột kích" vào Trung tâm Saigon Square vừa rồi hay những vụ việc khác ở Tuyên Quang hay Hà Nội gần đây đã cho thấy “sự chủ động của lực lượng Quản lý thị trường rất đáng được ghi nhận” .
Hơn nữa, với việc hoạt động theo mô hình quản lý ngành dọc, theo ông Phong điều này khiến cho sự tăng cường kết nối trên các hệ thống và quản lý nhà nước nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, cần tiếp tục được duy trì và phát huy mô hình quản lý này trong thời gian tới.
Đại diện các thương hiệu lớn: Bị xâm hại nhưng lại thờ ơ và "né tránh"?
Trong các ngày vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường thành lập 6 tổ kiểm tra đột xuất Trung tâm thương mại Saigon Square phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh đang buôn bán túi xách, ví, thắt lưng, bông tai và các sản phẩm ba lô, túi xách, ví, thắt lưng giả mạo thương hiệu Chanel, Prada, Guchi, Hermes, Louis Vuiton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Coach, Valentino...
Một vấn đề được dư luận đặt câu hỏi là tại sao "vương quốc" hàng giả, hàng nhái này đã tồn tại hàng chục năm, qua nhiều lần kiểm tra, "đột kích" nhưng vẫn tồn tại trơ gan cùng tuế nguyệt. Ngoài câu hỏi về trách nhiệm quản lý địa bàn của Đội 4 và cấp thẩm quyền cao hơn thì vấn đề đặt ra là các thương hiệu lớn, nhiều thương hiệu toàn cầu có đại diện tại Việt Nam có "lên tiếng" và có trách nhiệm bảo vệ hàng hóa, thương hiệu của chính mình không? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Vuasanca đã liên hệ với đại diện rất nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan |
Qua trao đổi với Vuasanca , một số đơn vị đang bảo hộ các nhãn hiệu lớn kể trên tại Việt Nam đã có những chia sẻ về sự việc. Đơn vị đang bảo hộ nhãn hiệu Ysl, Gucci, Michael Kors cho biết: Phía doanh nghiệp đã nắm được thông tin việc Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức truy quét và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square đang kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, thương hiệu mà đơn vị đang bảo hộ. Đại diện nhãn hiệu hoàn toàn hoan nghênh việc lực lượng Quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra đồng loạt, quyết tâm không để hàng giả, hàng nhái còn “đất sống” tại đây.
Vuasanca cũng tiếp tục liên hệ với một số đơn vị đang đại diện bảo hộ nhãn hiệu Christian Dior, Nike, Conversce, Louis Vuitton (LV). Tuy nhiên, các đơn vị này đều có dấu hiệu “né tránh” bằng việc hứa hẹn sẽ trả lời sau. Song 2 ngày trôi qua, phía các đơn vị này vẫn không đưa ra được câu trả lời cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình, cao hơn là của cả cộng đồng.
Đại diện đơn vị bảo hộ nhãn hiệu Gucci - đơn vị duy nhất trả lời phóng viên về những kiến nghị đề xuất tiếp theo sau khi Tổng cục QLTT triệt phá các cơ sở vi phạm thì cho biết: Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện hàng giả, hàng nhái thương hiệu tại Trung tâm thương mại Saigon Square thì đơn vị đã và đang hỏi phía nhãn hiệu xem có tiếp tục kiến nghị gì không và vẫn phải chờ phía nhãn hiệu có câu trả lời. Hiện, liên quan đến sự việc, phía đơn vị bảo hộ nhãn hiệu vẫn đang phối hợp với Quản lý thị trường để giám định, xác nhận, thẩm tra hàng giả.
Trước sự việc chậm lên tiếng, hoặc không lên tiếng của các doanh nghiệp khiến dư luận cho rằng, phải chăng, các đơn vị đang bảo hộ nhãn hiệu cũng không mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi “sát sườn”, chính đáng của mình mà chỉ “phó mặc” cho các cơ quan chức năng? Việc chậm trễ lên tiếng không chỉ làm ảnh hưởng tới thương hiệu của doanh nghiệp mà qua đó còn khiến nhận thức của người tiêu dùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái chậm thay đổi.
Những ngày qua, lực lượng Quản lý thị trường đã liên tục kiểm tra, phát hiện, triệt phá các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Thậm chí, dù là cả ngày nghỉ, song lực lượng Quản lý thị trường vẫn tiếp tục ra quân với phương châm “mở ki ốt nào là làm ki ốt đó” để tiếp tục phát hiện, kiểm đếm hàng hóa vi phạm, không cho hàng giả còn chỗ đứng tại nơi được gọi là “biểu tượng mua sắm” của Sài thành. Quyết tâm của lực lượng Quản lý thị trường là sẽ phải “lập lại trật tự”, triệt xóa bằng được “thủ phủ” hàng giả tại đây. Đây có thể được ví như góp “tiếng nói đồng điệu” hòa vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân ta.
Mới đây trong Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ phương pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là sử dụng công cụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và tiến hành quyết liệt, khẩn trương; đồng thời phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm trong sạch bộ máy. Có thể hiểu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến” không của riêng ai. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hộ các nhãn hiệu với trách nhiệm của mình phải là những người có tiếng nói để “hòa chung”, tạo sức mạnh tổng thể để đấu tranh đến cùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ được quyền lợi của chính mình, chứ không thể “bàng quan” hay “phó mặc” coi việc phòng chống tiêu cực là việc làm của riêng cơ quan quản lý Nhà nước.