Tổng cục Quản lý thị trường vừa mở đợt truy quét lớn "thiên đường" hàng hiệu giả Saigon Square (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), thu giữ hơn 2.000 sản phẩm.
Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi nhanh với các đại biểu Quốc hội về "trận đánh" lớn này cũng như công tác kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái của lực lượng Quản lý thị trường thời gian qua.
Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: Hoạt động tích cực, trách nhiệm, đưa nhiều vụ án ra "ánh sáng"
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Bắc Giang |
Từ vụ việc tại Trung tâm thương mại Saigon Square cũng như nhiều vụ việc khác, có thể thấy công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung đã được Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường và các địa phương triển khai khá tích cực, hiệu quả.
Minh chứng, đã có rất nhiều vụ án liên quan đến hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại đã được đưa ra ánh sáng và nhiều đối tượng đã được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này cho thấy sự nỗ lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường của chúng ta trong thời gian vừa qua, hoạt động tích cực, có trách nhiệm. Đồng thời, cũng cho thấy việc chúng ta cơ cấu lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc bước đầu đã có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm cuối năm, thị trường sôi động hơn, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, vì vậy đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường càng phải nỗ lực, quyết tâm và có nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu hiệu quả hơn nữa nắm bắt thông tin tình hình cũng như có biện pháp để đấu tranh tích cực, hiệu quả ngăn ngừa vấn đề này.
Tuy nhiên, phải nói rằng trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... trách nhiệm chính của lực lượng Quản lý thị trường nhưng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương, các cơ quan chuyên môn tới các chính quyền ở các cấp ở địa phương.
Theo tôi, cần phải có một sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới các ngành và các cơ quan ở địa phương. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: "Chiến công" lớn của lực lượng Quản lý thị trường
Việc Tổng Cục Quản lý thị trường đã vào cuộc triệt phá một lượng hàng giả tại Trung tâm thương mại Saigon Square mới đây theo tôi là "chiến công" lớn của lực lượng Quản lý thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Thừa Thiên Huế |
Vụ triệt phá hàng giả vừa qua là vấn đề “nóng” và lớn, nếu những sản phẩm hàng giả này chót lọt ra thị trường thì ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và xã hội và lớn hơn nữa là thiệt hại về kinh tế. Trong khi đó các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái có nhiều chiêu trò, manh khoé và thường có nhiều thủ đoạn tinh vi “qua mặt” các cơ quan chức năng.
Phải nhìn nhận rằng, Quản lý thị trường đã vào cuộc kịp thời, không riêng gì vụ hàng giả tại Trung tâm thương mại Saigon Square hay những vụ điển hình như tại: Lucky Plaza TP. Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh)... Hay, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên, chợ Bến Thành; kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang…
Theo tôi, những dấu ấn từ những hành động “làm thật, xử thật" hay “chủ động tấn công thay vì ngồi chờ tin báo” của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã minh chứng cho sự chuyển mình rõ rệt của lực lượng này trong thời gian qua.
Mô hình ngành dọc có nhiều đổi mới và mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Tính vận hành thông suốt, đã phát hiện kịp thời lỗ hổng hành vi phạm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã phát huy hiệu quả tích cực.
Lực lượng quản lý thị trường đã “chia lửa” cùng các ngành chức năng trong thời gian qua. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự phối hợp liên ngành của Quản lý thị trường, Công an, Quân đội trong kiểm soát buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là tại các khu vực biên giới.
Đánh giá một cách khách quan, lực lượng Quản lý thị trường đã có sự đột phá, đáng ghi nhận. Đồng thời đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng Quản lý thị trường.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu cũng vừa thảo luận tại tổ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó có đề cập đến vấn đề hàng giả. Tôi thấy có một thực tế, mặc dù biết là hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng kém nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận, vẫn mua vì giá rẻ và còn vì tâm lý “thích hàng hiệu”, cho dù là “hàng hiệu nhái”.
Vì vậy, cần sự “vào cuộc” của chính người tiêu dùng trong công tác quản lý thị trường. Người tiêu dùng phải nói không với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, tập thói quen khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện ra hàng hóa vi phạm tố giác ngay cho cơ quan chức năng có như vậy mới loại bỏ được hàng lậu, hàng giả trên thị trường.
Chính những hạn chế như đã nêu trên, tôi kiến nghị bổ sung vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sắp tới, để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương. Hướng tới mục tiêu nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các thương hiệu và đối tác thương mại, đồng thời sớm đưa Luật vào cuộc sống khi được thông qua.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn TP. Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài
Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn TP. Hà Nội |
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, ở nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Đặc biệt, sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.
Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài.
Đồng thời, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này và thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền do Thủ tướng Chính phủ ban hành.