CôngThương - Theo đánh giá, đây là những nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho LĐNT.
Năm 2011, khi Hội Phụ nữ xã mở lớp đào tạo nghề sản xuất két bạc cho LĐNT trên địa bàn xã, anh Đinh Văn Đích, thôn Đại Tự, xã Kim Chung đã đăng ký tham gia. Anh cho biết, các học viên được học và thực hành ngay tại các xưởng làm két bạc ở xã nên nắm bắt kiến thức rất nhanh. Sau khi hoàn thành khóa học, anh Đích mạnh dạn vay vốn mở xưởng sản xuất rộng 1.200m2. Đến nay, xưởng sản xuất két bạc của anh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nhu cầu học nghề, tìm việc làm của LĐNT trên địa bàn xã Kim Chung khá cao. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, những năm qua, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức mở nhiều lớp đào tạo các nghề may công nghiệp, thêu, sản xuất két bạc, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động. Trong đó, năm 2012, xã tổ chức được hai lớp đào tạo nghề làm két bạc cho 60 học viên và từ đầu năm 2013 đến nay triển khai 2 lớp dạy chế biến món ăn.
Theo Phòng LĐTBXH huyện Hoài Đức, triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2011 - 2012, toàn huyện đã tổ chức 45 lớp đào tạo nghề cho 1.339 LĐNT, chủ yếu là lao động bị mất đất canh tác. Đa số học viên qua đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Đào tạo theo nhu cầu
Từ năm 2005 đến nay, huyện Hoài Đức có 1.437 ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho 90 dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nên lao động dôi dư rất lớn. Những năm qua, các lớp đào tạo nghề của huyện Hoài Đức chủ yếu tập trung vào các nhóm nghề trồng nấm, trồng cây ăn quả, nấu ăn và một số ngành nghề cơ khí, tiểu thủ công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Thư, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hoài Đức chia sẻ, đây là những nghề gắn bó và phục vụ trực tiếp cho sản xuất của đa số người dân nên họ rất hào hứng theo học.
Ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, thời gian tới, ngoài chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956, UBND huyện còn chỉ đạo tích cực tập huấn khoa học kỹ thuật, truyền nghề, nhân cấy nghề cho lao động tại các xã. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn vì thời gian đào tạo 3 tháng quá ngắn để thành nghề. Hơn nữa, đầu ra cho lao động vẫn còn hạn chế và một số ngành nghề thu nhập thấp nên không thu hút được học viên.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Hoài Đức kiến nghị Chính phủ, TP cần có chính sách cụ thể hơn với đào tạo nghề cho lao động ở lứa tuổi 35 - 60. Đây là lứa tuổi rất khó tìm được việc làm sau học nghề. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ về vốn, mặt bằng cho người lao động mở rộng sản xuất sau học nghề.