Ban Bí thư chỉ đạo về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW (ngày 10/7/2024) của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Cần đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: TTXVN. |
Theo Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ban Bí thư yêu cầu cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chỉ thị cũng nêu rõ, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.
Ban Bí thư cho rằng, cần tận dụng hiệu quả cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn.
Đồng thời, cần bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề.
Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn...