Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội |
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh chung đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tham mưu thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ biên tập; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai khai xây dựng nhiều đề án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Ngoài tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao theo kế hoạch, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của Ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu được nêu tại Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với 63 nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan. Các ý kiến thẩm định, tham gia của Ban Kinh tế Trung ương nhìn chung có chất lượng, thể hiện quan điểm rõ ràng, qua đó giúp các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền có thêm cơ sở xem xét, quyết định, nhất là các vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm.
Trong điều kiện công tác gặp nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác năm 2021 đề ra, đặc biệt đã sớm tập trung triển khai xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong năm 2021. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh, với vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì xây dựng 7 đề án trình BCH Trung ương khóa XIII và trình Bộ Chính trị trong năm 2021; gần đây Ban tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để trình Bộ Chính trị trong quý I/2022. “Có thể thấy, đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án. Mặc dù, trong quá trình thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và sự phối hợp hiệu quả của các ban đảng, các bộ, ngành, địa phương...”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Tuy nhiên để có thể hoàn thành các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Ban cần tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Ban những vấn đề mới, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. “Ngoài việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cần phải phát huy mạnh mẽ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng. Từ đó, kịp thời tham mưu Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã được ban hành”- Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.