Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng họp lần thứ tư
Tin hoạt động 14/12/2022 17:21
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Cuộc họp do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Chính phủ Dự án Luật ngày 8/6/2022.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Ban Soạn thảo cho biết, tính đến nay, đã trải qua ba cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau các cuộc họp đã có nhiều ý kiến định hướng đối với kế hoạch và nội dung xây dựng Dự thảo Luật đã được đưa ra.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến phát biểu, Bộ Công Thương xác định có một số nhóm nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như sau: Bố cục của Dự thảo Luật; Khái niệm người tiêu dùng; Nghĩa vụ cung cấp thông tin của người tiêu dùng; Người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Một số vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng; Một số vấn đề về quản lý nhà nước.
"Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch và tiến độ đã đề ra, cuộc họp ngày hôm nay có tính chất quan trọng, nhằm báo cáo về kết quả thảo luận về dự án Luật tại Quốc hội, đồng thời, xin ý kiến của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập để hoàn thiện Dự thảo Luật, chuẩn bị trình Chính phủ Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự thảo Luật dự kiến tiếp thu" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại cuộc họp |
Trình bày báo cáo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập về việc hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, trong số các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Tổ Biên tập xác định có một số nhóm nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến như trên và đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu, hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, về bố cục của Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị chuyển Điều 8 - Điều 13 về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng vào Chương II; đưa Điều 15, 16 lên ngay trước Điều 4 để đảm bảo trật tự logic, tức là quyền của người tiêu dùng, sau đó đến nghĩa vụ của người tiêu dùng, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chính sách,…; đưa các khái niệm về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp tại Điều 37 lên Điều 3.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổ Biên tập nhận thấy việc điều chỉnh bố cục các Điều nêu trên không làm thay đổi nội hàm chính sách đã được Chính phủ quyết nghị thông qua. Do vậy, Tổ Biên tập đề xuất tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình bày báo cáo |
Thứ hai, về khái niệm người tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị chỉnh lý khái niệm người tiêu dùng theo hướng gồm tổ chức vì người tiêu dùng ở đây có thể là cá nhân, cũng có thể là hộ gia đình, cũng có thể là tổ chức.
Đây là một trong những nội dung có số lượng đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến phát biểu tại Tổ và tại Hội trường cũng như được thể hiện tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Theo đó, Tổ Biên tập nhận thấy nhóm ý kiến có thể được thể hiện theo hai phương án gồm: Phương án 1: Người tiêu dùng là cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.
Phương án 2: Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
"Nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi, Tổ Biên tập xin kiến nghị lựa chọn phương án 2 và sửa đổi Dự thảo như trên" - ông Tuấn nêu.
Thứ ba, về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Tổ Biên tập nhận thấy các ý kiến này nằm trong nội hàm quan điểm xây dựng chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Chính phủ thông qua. Do vậy, Tổ Biên tập kiến nghị tiếp thu ý kiến này và bổ sung, chỉnh lý Dự thảo.
Các đại biểu tham dự cuộc họp |
Thứ tư, về người tiêu dùng dễ bị tổn thương, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung nhóm người nghèo và nhóm người cận nghèo vào người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Đây là một trong những nội dung có số lượng đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến phát biểu tại Tổ và tại Hội trường cũng như được thể hiện tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Về nội dung này, Tổ Biên tập nhận thấy nhóm đối tượng nêu trên đã được Chính phủ thảo luận, quyết nghị không đưa vào nội hàm chính sách về bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương và đã có Báo cáo Quốc hội về tổng hợp, tiếp thu, giải trình Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tổ Biên tập kiến nghị tiếp tục giải trình, làm rõ quan điểm của Chính phủ như đã nêu trên.
Thứ năm, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, một số ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân có liên quan cho đầy đủ hơn.
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin giải trình như sau: khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật hiện đang giải thích “tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Theo khái niệm nêu trên, “tổ chức, cá nhân kinh doanh” đã bao gồm cả các bên có liên quan như: bên thứ ba, trung gian thương mại, tổ chức, cá nhân vận hành nền tảng số, nền tảng số trung gian…
Thứ sáu, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua; cần phải quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với việc sử dụng các nền tảng giao dịch xuyên biên giới.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại cuộc họp |
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu nhóm ý kiến nêu trên, Tổ Biên tập nhận thấy quy định hiện hành tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 đã có quy định về nội dung khuyến cáo người tiêu dùng giao dịch trên không gian mạng; quy định về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài; quy định tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử về trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước... là những biện pháp cần thiết, hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, Tổ Biên tập kiến nghị bổ sung thêm một điều (Điều 42) về “Trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng” và hoàn thiện một số điểm tại Điều 41 để tiếp tục tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.
Thứ bảy, về quản lý nhà nước, một số ý kiến đề nghị cần xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm, chịu trách nhiệm chính giữa các cơ quan nhà nước.
Về các ý kiến này, Tổ Biên tập kiến nghị giữ nguyên như Dự thảo và giải trình theo hướng Dự thảo hiện hành đã có các quy định liên quan đến phân công trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp, và đã có quy định về xây dựng cơ chế phối hợp, cụ thể: Tổ Biên tập chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các cấp chịu trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Tổ Biên tập kiến nghị tiếp thu ý kiến này và bổ sung thêm một Điều về “Trách nhiệm của UBND các cấp” trong Dự thảo chỉnh lý.
Xoay quanh các nội dung này, tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã có sự nhất trí cao với báo cáo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, song nhiều đại biểu cho rằng, có một số nội dung cần được làm rõ hơn, tránh trùng lặp, gây hiểu nhầm và nâng cao hiệu quả thực thi của Dự án Luật.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo Kế hoạch và tiến độ đã đề ra chuẩn bị trình Chính phủ Báo cáo giải trình trong thời gian tới.
Ngày 02/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 28/11/2022, Tổng Thư ký Quốc hội có Báo cáo số 1832/BC-TTKQH tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, tổng số có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường với khoảng trên 680 ý kiến cụ thể. Tổ Biên tập đã tiến hành nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Văn bản số 1832/BC-TTKQH. Trong đó, có 406 ý kiến cụ thể đã được nghiên cứu, tiếp thu (chiếm 59% tổng số ý kiến phát biểu); 280 ý kiến cụ thể đã được giải trình (41% tổng số ý kiến phát biểu). |