Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp cuối năm, đến thời điểm này, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá cả thị trường.
31.200 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Báo cáo với đoàn công tác, TP. Hà Nội cho biết, trên cơ sở xác định số dân hơn 10,3 triệu dân sinh sống và hơn 2,5 triệu lượt người từ các tỉnh, thành phố khác về tham quan, mua sắm, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đã lên kế hoạch dự trữ, sản xuất lượng hàng hoá phục vụ Tết đạt khoảng 31.200 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch năm 2019. Tập trung vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, trứng gia cầm, rau củ quả, thuỷ hải sản, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát…
Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý 2020, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6% đến 7% so với kế hoạch Tết 2019. Các doanh nghiệp thương mại lớn như Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình từ 10% đến 25% so với năm ngoái, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ông Nguyễn Tiến Vượng ,cho biết: Tổng lượng hàng hóa đưa ra thị trường của Hapro ước đạt 768 tỷ đồng, trong đó lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết đạt khoảng 250 tỷ đồng. Trong đó, Hapro đã dự trữ 19 mặt hàng bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả các loại, các mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...), quần áo, điện máy, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, 1.500 tấn bánh kẹo, khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà;…. Bên cạnh đó, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “Khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn,Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, chuẩn bị nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để bảo đảm giá cả hàng hóa ổn định trong suốt dịp Tết; bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm".
Đối với mặt hàng thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, trung bình mỗi tháng, người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng 93.000 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.300 tấn thịt bò, 6.200 tấn thịt gà, 5.200 tấn thủy hải sản... Trong các tháng lễ, Tết nhu cầu thịt lợn tăng lên 22.300 tấn/tháng, nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khiến nguồn cung giảm sút mạnh. Hiện, đàn lợn toàn thành phố Hà Nội có 1,18 triệu con, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 10 tháng giảm 16,4%. Riêng trong tháng 10, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đạt 18.800 tấn tăng 4.600 tấn so với tháng 9 trước đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tháng nhưng đến Tết Nguyên đán vẫn thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Không để thiếu cục bộ hàng hóa lưu thông, nhất là thịt lợn
Thị trường cuối năm năm nay nổi lên vấn đề về mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm thiếu nguồn cung, đẩy giá tăng cao trong thời gian qua. Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – thông tin, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết khoảng 22,3 nghìn tấn lợn hơi/tháng, tăng khoảng 20% so với các tháng bình thường nên Hà Nội sẽ thiếu khoảng 3.500 tấn lợn hơi trong dịp Tết này, cần có những giải pháp kịp thời để đáp ứng nhu cầu đồng thời bình ổn giá mặt hàng này.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thịt lợn. Theo đại diện Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce chi nhánh Hà Nội, Công ty đã làm việc với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối chuẩn bị lượng hàng hóa tăng từ 30% đến 100% nguồn hàng so với tết 2019. Đối với mặt hàng thịt lợn, Công ty đã lên kế hoạch nhập khẩu và đã có lô sườn lợn đầu tiên nhập khẩu nhằm dự trữ nguồn cung thiếu. Ngoài ra đã làm việc với nhà nhập khẩu và nhà phân phối thịt gà, bò đảm bảo tăng 30% so với năm ngoài…
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh Saigon Co.op – chia sẻ, đối với mặt hàng thịt lợn, tham gia công tác bình ổn giá tại hệ thống cũng như kế hoạch chung, Công ty cũng đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung trong suốt dịp Tết, đồng thời cũng có kế hoạch chuyển hàng đông lạnh từ nhà cung cấp Visan tại thành phố Hồ Chí Minh về dự trữ tại kho Bắc Ninh nhằm cung cấp cho Hà Nội.
Là đơn vị sản xuất thịt lợn tươi sống, cung cấp cho Hà Nội mỗi tháng 300 tấn và dự kiến dịp Tết sản lượng sẽ tăng gấp rưỡi, ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thực phẩm chế biến Nam Hà Nội – chia sẻ, Công ty đã ký với các công ty liên kết, nhất là tập đoàn Hòa Phát nên đảm bảo không thiếu nguồn cung thịt lợn và đang cung cấp cho nhiều siêu thị trên địa bàn.
Đánh giá cao sự chủ động của TP. Hà Nội trong chuẩn bị nguồn hàng Tết nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu thành phố không nên chủ quan, cần nắm bắt sâu sát đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng thịt lợn, chú trọng quan tâm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm và cố gắng giữ mặt bằng giá ổn định, không tăng giá quá cao ảnh hưởng đến người dân, nhất là người lao động trong các khu công nghiệp, người dân khu vực nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội – cho biết, trong tháng 11, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện ý kiến của Chính phủ và Bộ Công Thương. Dự trữ nguồn hàng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp bình ổn tham gia nhiều hơn, đưa hàng hóa có chất lượng tốt, đặc sản của các địa phương về Hà Nội. Với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung đang hụt 30%, chưa kể các địa phương khác cũng hụt, nên lượng bù đắp cũng bị thiếu.
Cung hụt, cầu tăng và sẽ còn tăng vào dịp cuối năm, do vậy ông Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội rà soát chính xác tổng đàn lợn trên địa bàn để xác định lượng cung. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội phối hợp các tỉnh đưa thịt lợn về thành phố nhằm đảm bảo đủ. Thống nhất ý kiến các Sở ban ngành về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là bám theo giá niêm yết để xử lý nghiêm các tiểu thương lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, và bám sát diễn biến thị trường để điều hành cung - cầu. “Trong 2 tháng tết cần tăng cường kiểm soát thị trường, hạn chế tối đa vấn nạn hàng giả, hàng nhái… song vẫn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp làm ăn một cách hợp pháp”, ông Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đã cam kết phục vụ đến khi hết khách hàng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu thực hiện nghiêm, đồng thời đề nghị doanh nghiệp rà soát lại kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống và bạn hàng, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá.