Báo động mất an toàn lao động lò vôi thủ công
Công nghệ sản xuất lò vôi theo thủ công đang là mối nguy hại đối với con người và môi trường |
Đỉnh cao của sự mất an toàn lao động lò vôi phải kể tới vụ tai nạn ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 1/1/2016 vừa qua đã cướp đi mạng sống của 8 công nhân xấu số. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là các nạn nhân đều bị ngạt khí CO trong quá trình nung vôi bằng phương pháp truyền thống. Trước đó, tháng 11/2015 tường lò vôi bất ngờ sập tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đã khiến 3 người tử vong.
Giải mã về cái chết 8 người ở lò vôi của xã Hoàng Giang vừa qua, PGS. TS Đỗ Quang Trung, Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết: Quá trình nung đá vôi bằng than, khi đạt đến nhiệt độ nhất định sẽ sản sinh ra khí CO2, CO, NOX. Trong đó, CO và NOX là loại khí cực độc khiến nạn nhân hít phải có thể tử vong tại chỗ. Lý do là bởi, khi hít phải khí CO, NOX, khí này sẽ vào phổi, tiêu diệt toàn bộ ôxy trong máu rất nhanh. Như vậy, sẽ không có ôxy lên não, gây ra tình trạng chết não. Chỉ từ 9-10 giây, nạn nhân hít phải khí này có thể liệt não, không thể cử động được. Lo ngại hơn cả là những loại khí cực độc này không có màu, không mùi, không vị nên nạn nhân thường không thể nhận biết.
Ngoài ra, những lao động làm trong lò thủ công thường không được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ lao động trong môi trường lao động độc hại. Cho dù không hít nhiều lượng khí này cùng một lúc, nhưng làm việc trong môi trường độc hại, khí CO, NOX sau nhiều năm tích tụ trong cơ thể, cộng với lượng hạt vôi bột cực nhỏ thẩm thấu vào đường hô hấp, phổi chắc chắn sẽ để lại nhiều chứng bệnh nguy hiểm, trong đó phải kể đến bệnh ung thư.
Lượng khí độc, bụi phát thải ra môi trường xung quanh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân quanh vùng. Thực tế là ở tất cả những lò vôi thủ công, vì bài toán kinh tế các chủ lò không bao giờ đầu tư hệ thống xử lý khí thải độc hại bởi chi phí để làm hệ thống này cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, đây không phải là bài toán không có lời giải nếu có những văn bản quy định về việc quản lý nghiêm ngặt quy trình sản xuất vôi, xử lý tốt khí thải, khói bụi…
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau vụ tai nạn ở xã Lại Xuân, Thủy Nguyên vào ngày 19/11/2015 khiến 3 người tử vong, TP. Hải Phòng đã ra văn bản “xóa sổ” toàn bộ lò vôi thủ công ở địa bàn. Tương tự, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo đến năm 2020 sẽ xử lý hết các lò vôi thủ công trên địa bàn.
Đó là quan điểm, việc làm của những tỉnh đã xảy ra tai nạn lao động chết người liên quan đến lò vôi thủ công. Còn nhiều tỉnh khác, lò vôi thủ công vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp “những cái chết được báo trước”, tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh tật hành hạ người dân.