Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giải đáp về quy trình và thủ tục trả tiền bảo hiểm
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Chính phủ. Chính vì vậy, chính sách bảo hiểm tiền gửiđã dần được hoàn thiện với mục tiêu cốt lõi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Đối với khoản tiền tiết kiệm trực tuyến, người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng cần phải làm gì để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với khoản tiền gửi của mình trong quá trình làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm?
Khoản 3, Điều 6, Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm được ban hành kèm theo Quyết định số 807/QĐ-BHTG ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định trách nhiệm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là: “Cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ và các văn bản, tài liệu có liên quan đến danh sách người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị chi trả theo yêu cầu của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để phục vụ công tác kiểm tra và chi trả. Cung cấp cho người được bảo hiểm tiền gửi giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm khi có yêu cầu; xác nhận cho người được bảo hiểm tiền gửi khi sổ tiền gửi bị mất, rách nát, chắp vá không rõ ràng và các trường hợp cần thiết khác. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và chính xác của các tài liệu cung cấp.”
Như vậy, khi bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kiểm tra và chi trả bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ và các văn bản, tài liệu có liên quan đến danh sách người được bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, người được bảo hiểm tiền gửi cũng có quyền yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm của mình.
Nếu một khoản tiền gửi được nhiều người cùng sở hữu chung thì số tiền bảo hiểm sẽ được tính như thế nào?
Tại Khoản 2, Điều 25 Luật bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được quy định như sau: Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 75 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.
Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 75 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.
Ngoài thẻ tiết kiệm trên, nếu người A có một thẻ tiền gửi cá nhân khác tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó thì số tiền bảo hiểm được trả cho thẻ tiền gửi riêng của người A và số tiền được phân chia cho người A theo thoả thuận 2 bên không được vượt quá 75 triệu đồng.