Được thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động từ năm 2000, sau hơn 16 năm triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), DIV đã góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước và tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định, an ninh kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đến nay, DIV đang bảo vệ hơn 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại 1.252 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 92 ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô. Từ khi thành lập đến nay, DIV đã thực hiện chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc; triển khai hiệu quả các nghiệp vụ BHTG như kiểm tra, giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi… Sự ra đời của Luật BHTG năm 2012 đã khẳng định DIV là công cụ góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định hệ thống các TCTD và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tại Việt Nam.
Nhằm mục tiêu phát triển hiệu quả hoạt động BHTG, trở thành công cụ hữu hiệu, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng, DIV đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp với Chiến lược tổng thể phát triển ngành Ngân hàng để báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nội dung quan trọng về nâng cao năng lực của tổ chức, bao gồm năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng), trước đây việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ BHTG do Chi nhánh DIV tại Hà Nội trực tiếp thực hiện và địa bàn 5 tỉnh Trung Trung bộ (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế) do Chi nhánh DIV khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên thực hiện. Tuy nhiên, địa bàn quản lý rộng, khoảng cách địa lý xa đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi chính sách BHTG của các chi nhánh. Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống các tổ chức tín dụng tại các địa phương cũng phát triển nhanh. Việc thành lập 2 chi nhánh mới đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của DIV nhằm nâng cao năng lực và vị thế của tổ chức, đi sâu, đi sát, gia tăng giám sát rủi ro, bảo đảm sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng tại địa phương, đồng thời góp phần củng cố niềm tin người gửi tiền.
Ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhận định, việc thành lập Chi nhánh DIV khu vực Tây Bắc bộ và lựa chọn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để đặt trụ sở Chi nhánh thể hiện sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước, DIV đối với hoạt động của các TCTD khu vực Tây Bắc bộ nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Sự có mặt của Chi nhánh DIV sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc bộ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trong quá trình hoạt động an toàn, bền vững, nhất là trong bối cảnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng đang diễn ra mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên đánh giá: Việc thành lập Chi nhánh DIV tại TP. Đà Nẵng thể hiện tầm nhìn và chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước và DIV đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn các tỉnh duyên hải Trung Trung Bộ. Với sứ mệnh quan trọng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì hoạt động an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng, Chi nhánh cần nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định và phát triển bền vững trong tương lai, triển khai kịp thời và có hiệu quả chính sách BHTG; góp phần củng cố niềm tin công chúng đối với hoạt động ngân hàng, thu hút nhiều hơn nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, hoạt động của Chi nhánh DIV tại TP. Đà Nẵng thời gian tới sẽ giúp đẩy mạnh cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bên, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát các TCTD để bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn hệ thống các TCTD trên địa bàn. NHNN chi nhánh Đà Nẵng sẽ tích cực phối hợp với Chi nhánh DIV tại thành phố Đà Nẵng triển khai công tác tuyên truyền để chính sách BHTG thực sự đi vào cuộc sống của người dân 5 tỉnh miền Trung.
Thực tiễn triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định đây là chính sách quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống ngân hàng Việt Nam phù hợp với các thông lệ quốc tế. Việc 2 chi nhánh DIV được thành lập và đi vào hoạt động tại Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ đã góp phần hoàn thiện mạng lưới hoạt động, tăng cường năng lực của định chế tài chính đặc biệt này, giúp DIV đi sâu, đi sát cùng sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng trong khu vực, tiếp tục đồng hành, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm cho các TCTD nói chung, các ngân hàng nói riêng hoạt động an toàn, hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập và vận hành định chế tài chính đặc biệt, đó là BHTG. BHTG không chỉ là giải pháp cuối cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả, mà còn là biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro hệ thống. |