Bảo hiểm Xã hội Quảng Ninh: Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh: Vượt qua thử thách mang tên Covid-19 |
Phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội
Ông Lê Đình Tuấn - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cơ quan cấp huyện phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường rà soát đối tượng chưa tham gia Bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó lập danh sách đối tượng tiềm năng để triển khai giải pháp tuyên truyền vận động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Bảo hiểm xã hội tỉnh phát triển mới thêm hơn 26.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu cho các phòng, ban nghiệp vụ, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện, các tổ chức dịch vụ thu trong tỉnh phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, các địa phương cũng gặp không ít khó khăn xuất phát từ những nguyên nhân như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, do thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối thiểu là 20 năm và hết tuổi lao động mới được hưởng lương hưu, nên chưa thu hút đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh có tổng số 20.667 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm 1.571 người so thời điểm 31/12/2021. Cụ thể, tính đến hết tháng 8, thành phố Móng Cái mới phát triển được 991 người, giảm 172 người so với cuối năm 2021. Tương tự, đến hết tháng 8/2022, thành phố Hạ Long mới phát triển được 3.845 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (giảm 1.256 người so với cuối năm 2021); Huyện Tiên Yên phát triển được 1.072 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (giảm 189 người so với cuối năm 2021); Huyện Đầm Hà phát triển được 1.069 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (giảm 179 người so với cuối năm 2021); Thị xã đã phát triển được 4.034 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 82,66% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao trong những tháng cuối năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hôi tỉnh Quảng Ninh đang thí điểm thực hiện việc gửi thư ngỏ đến tận tay đối tượng tiềm năng, vận động họ tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức ra quân diễu hành, cấp phát tờ rơi đến từng khu dân cư, chợ dân sinh tuyên truyền vận động người dân tham gia. Tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang website của ngành, nhằm chuyển tải chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trọng tâm là bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Từng bước hoàn thiện hệ sinh thái Bảo hiểm xã hội 4.0
Tính hết 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tiếp nhận tổng số 150.679 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua điện tử chiếm 66,5%. Đồng thời, xác định triển khai cài đặt ứng dụng VssID trên thiết bị di động thông minh nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân tra cứu, tìm kiếm thông tin về Ngành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng, hướng dẫn và hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương và người dân triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng. Đồng thời, phân công viên chức trực tiếp đến các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh… hỗ trợ cài đặt và phê duyệt tài khoản cho người sử dụng. Tính đến ngày 30/09/2022, số tài khoản VssID được phê duyệt hợp lệ toàn tỉnh là 505.440 người.
Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án của Bảo hiểm xã hội; phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án 06 đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức, người lao động toàn đơn vị.
Cùng với đó, ban hành văn bản về việc kê khai số Căn cước công dân gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế gửi đến các đơn vị sử dụng lao động; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ sở giáo dục; đại lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh để phối hợp đề nghị người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp kê khai số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân để cơ quan Bảo hiểm xã hội nhập vào sơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia Bảo hiểm y tế sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VNEID, ứng dụng VssID thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế … Tính đến 30/9, tỉnh Quảng Ninh có 627.368 người có thẻ Bảo hiểm y tế được được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 37.548 người sử dụng Căn cước công dân gắn chíp thay thẻ Bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh thành công tại 75 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế...
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xác thực thông tin người tham gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa ra giải pháp xử lý.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người có thẻ Bảo hiểm y tế cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID. Phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về phần mềm tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh khi sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.