Năm 2016, doanh thu của Vườn quốc gia Yok Đôn chỉ đạt 10 triệu đồng |
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên - chia sẻ: Thời gian qua, hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như ở Phú Quốc, Hoàng Liên Sơn… đã dấy lên những lo ngại về sự phát triển bền vững du lịch sinh thái. Tiếp tục xu thế đó, nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng… Từ các dự án này, cộng đồng và tổ chức xã hội tiếp tục bày tỏ lo lắng liệu các lợi ích phát triển có từng bước đẩy các khu bảo tồn với vai trò là công sản quốc gia vào tình thế bị phá vỡ, thậm chí bị hủy hoại tính nguyên vẹn.
Theo tiến sĩ Phạm Hồng Long - Chuyên gia du lịch - với 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; cùng nhiều tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa… là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn còn nhiều hạn chế. Một số nơi chưa tuân thủ các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; nguồn thu từ phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế, chưa đủ bù đắp chi phí và đầu tư trở lại; một số nơi du lịch sinh thái phát triển nóng gây ra những tác động tiêu cực... Ví dụ điển hình, doanh thu của Vườn quốc gia Ba Vì năm 2016 đạt 8 tỷ đồng và dự kiến năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 9 tỷ; còn Vườn quốc gia Tam Đảo năm 2016 đạt 200 triệu đồng, dự kiến trong năm 2017 cũng đạt ở mức đó; Bạch Mã là 400 triệu còn Yok Đôn chỉ đạt 10 triệu đồng.
Nguyên nhân của những tồn tại đó là các khu bảo tồn chưa có chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái; thiếu đội ngũ điều hành, quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật được đào tạo chính quy về du lịch và du lịch sinh thái; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ; nhận thức về giá trị sinh thái môi trường còn chưa cao…
Để phát triển du lịch sinh thái bền vững, có trách nhiệm, ông Phạm Hồng Long cho rằng, cần tiếp tục có các chương trình, các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái; lôi kéo sự tham gia của cộng đồng, địa phương và giảm thiểu sự phụ thuộc của họ vào rừng; hướng đến đa dạng và hoàn thiện hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại về du lịch sinh thái…
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó còn do sự chồng chéo, mâu thuẫn và bất hợp lý của pháp luật trong quản lý khu bảo tồn và lồng ghép phát triển trong bảo tồn thiên nhiên hiện nay. Vì vậy, cần phân cấp, phân quyền và hợp tác liên bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, ra quyết định (đầu tư) và giám sát phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn; yêu cầu xác lập các luận cứ khoa học cho các lựa chọn chính sách và quyết định phát triển du lịch trong các khu bảo tồn; đặc biệt cần có một chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn…