Đó là lý do từ Bắc Kinh đến Brasilia đều chăm chú theo dõi từng động thái của cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kì.
Những thay đổi trong chính sách của Mỹ, về các vấn đề như thương mại, Trung Quốc, ngân sách, cải cách ngân hàng… có tác động trực tiếp đến kinh tế toàn cầu và những nỗ lực cải cách kinh tế thế giới.
Với chiến thắng của Đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện, nhưng không phải ở Thượng Viện, chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi về chính sách và chính trị so với hai năm đầu tổng thống Obama lên nắm quyền.
Những sự thay đổi này sẽ tác động thế nào tới kinh tế thế giới? Câu trả lời là chẳng có gì tốt.
Đầu tiên sẽ là sự bế tắc. Một Washington chia tách có nghĩa là sẽ có nhiều việc không được thực hiện để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Mỹ. Hãy quên đi gói kích thích thứ hai. Bởi nhiều khả năng tổng thống Obama sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực về cắt giảm chi tiêu. Và điều này thực sự không tốt cho tăng trưởng. Các vấn đề dài hạn, chẳng hạn như cải cách tài chính, rồi sẽ không đi về đâu.
Với một Đảng Cộng Hòa táo bạo, rất khó để có thể hình dung hai đảng sẽ hướng đến những ý chí chung sau cuộc bầu cử này, và điều này có nghĩa là sẽ vẫn tiếp tục có những bất ổn trong chính sách kinh tế của Mỹ, hay đúng hơn là bất ổn trong quá trình phục hồi kinh tế Mỹ.
Tuần tới, tổng thống Obama sẽ có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải giải quyết những vấn đề khó khăn như các quy định đối với ngành ngân hàng, cuộc chiến tiền tệ và sự mất cân bằng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tổng thống Obama đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt trong nước có thể sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực của Mỹ nhằm hướng đến các cam kết quốc tế vì lợi ích của cả thế giới thay vì lợi ích của riêng từng quốc gia.
Các bài hùng biện chính trị trong chiến dịch bầu cử lần này khiến Mỹ có xu hướng trở thành kẻ thích chiến đấu hơn là người đem lại hòa bình.
Trung Quốc được coi như cái cớ để đổ lỗi cho những yếu kém kinh tế của Mỹ trong suốt chiến dịch bầu cử.
Thậm chí Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cũng tham gia. Điều này làm tăng áp lực chính trị buộc tổng thống Obama và Quốc hội phải tiến hành các biện pháp trừng phạt với một Trung Quốc được cho là chơi không đẹp trên sân chơi thương mại toàn cầu, đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ và cản trở kinh tế Mỹ phục hồi.
Toàn bộ tinh thần chung của cuộc bầu cử rõ ràng là phản thương mại. Trong chiến dịch vận động, nghị sĩ Zack Space buộc tội một đối thủ của mình đang hỗ trợ các chính sách khiến việc làm của người Mỹ chuyển sang tay người Trung Quốc. Quảng cáo vận động kết thúc với dòng chữ “Tự do thương mại không miễn phí”.
Điều này có thể sẽ khiến Quốc hội không thông qua các hiệp định tự do thương mại giúp kích thích xuất khẩu của Mỹ, như hiệp định với Hàn Quốc mà đến nay vẫn chưa thể kết thúc.
Nước Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ hiện lên là một nước Mỹ thiếu quyết đoán, một nước Mỹ luôn chỉ trích người khác nhằm bảo vệ những lợi ích riêng của mình hơn là đi tìm những giải pháp hợp tác cho những vấn đề của kinh tế thế giới.
Nền kinh tế toàn cầu cần một nước Mỹ biết lãnh đạo, chứ không phải một nước Mỹ đầy tức giận.
Theo CNN