BIDV: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành dược
Nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm là rất lớn
- Ngành dược: Cơ hội song hành cùng cạnh tranh
Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, ngành dược sẽ được đầu tư để tiến tới tự sản xuất được 20-80% nguyên liệu và thành phẩm phục vụ nhu cầu trong nước. Do vậy, nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế trong thời gian tới sẽ ngày một tăng cao.
Theo thống kê của Cục quản lý Thuốc- Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng thuốc trong nước liên tục tăng trưởng hàng năm với tốc độ trung bình 18% (từ năm 2008-2013), tuy nhiên giá trị thuốc sản xuất trong nước chỉ mới chiếm khoảng 46 - 50% tổng giá trị thuốc sử dụng trong nước và có xu hướng giảm, nhường thị phần lớn cho hàng nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu dược phẩm cũng như nguyên phụ liệu dược tăng 5-7%/năm trong giai đoạn trên khiến các doanh nghiệp dược Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn đa quốc gia như Sanofi, GSK, Novartis…
Cùng với đó, việc áp dụng quy định về đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC từ tháng 6/2012 có ảnh hưởng đến doanh thu hệ điều trị của các doanh nghiệp dược trong nước. Theo đó, những sản phẩm tham gia cùng gói thầu đạt điểm tiêu chuẩn kỹ thuật trên mức điểm sàn và có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi khi mặt bằng giá bán tương đối cao hơn do đầu tư nhiều về máy móc hiện đại để đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thuốc, thương hiệu.
Hiện nay cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp đang kinh doanh các loại trang thiết bị y tế, 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc và gần 5.000 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ và tiếp sức từ các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các ngân hàng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh là rất lớn. |
Sự vào cuộc của ngân hàng
Về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng ngành dược Việt Nam được dự báo tiếp tục cao, vì ở giai đoạn kinh tế nào nhu cầu sử dụng thuốc đều tăng. Xét về quy mô thì thị trường tân dược của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực. Theo dự báo của BMI (Business International Monitor), về dài hạn, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 17,2%/năm trong giai đoạn 2013 - 2016.
Hiện có nhiều ngân hàng đã “để mắt” tới lĩnh vực đầy tiềm năng này song gói sản phẩm hỗ trợ ngành dược của BIDV được đánh giá cao khi chính thức ra mắt từ tháng 1/2014 do đã đánh trúng tâm lý thị trường. Theo đó, BIDV tài trợ vốn kết hợp cung cấp đa dạng sản phẩm - dịch vụ ngân hàng cho khách hàng là doanh nghiệp dược. Không chỉ cho vay, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, gói sản phẩm còn hướng tới các công ty xuất nhập khẩu, phân phối, nuôi trồng và chế biến dược phẩm, bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng, vật tư, thiết bị y tế và bao bì thuốc …
Khi đến giao dịch với BIDV, khách hàng sẽ được đáp ứng các nhu cầu của mình, với cam kết ổn định về chính sách lãi suất, phí ưu đãi, đảm bảo cạnh tranh, hình thức tài trợ phong phú, đa dạng, từ cho vay bổ sung vốn lưu động đến tài trợ dự án, tài trợ xuất nhập khẩu. Điểm khác biệt ở BIDV là khách hàng được tư vấn, cung cấp gói giải pháp tài chính khép kín bởi đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về đặc thù ngành dược, để chăm lo không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả người lao động và quản lý của họ, đảm bảo phù hợp đặc điểm của chính doanh nghiệp thông qua việc đáp ứng mọi nhu cầu hợp lý, từ cho vay, bảo lãnh đấu thầu thuốc, tiền gửi, thanh toán quốc tế, quản lý dòng tiền, hỗ trợ quản lý phải thu, bảo hiểm và ngoại hối đến nhu cầu mua nhà ở, mua sắm tiêu dùng bằng thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế, tài khoản thấu chi… để “An cư lạc nghiệp” của người lao động...
Cát Ngọc