Bình Định: Hơn 130 doanh nghiệp tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc
Ngày 6/7, tại xã An Toàn, huyện An Lão, Sở Công Thương tỉnh Bình Định phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), UBND huyện An Lão và Hợp tác xã nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho huyện miền núi An Lão tỉnh Bình Định” năm 2023 và khai trương Mô hình thương mại hai chiều.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc tỉnh Bình Định |
Tham gia hội nghị có lãnh đạo sở, ban, ngành, huyện và 130 doanh nghiệp, hợp tác xã ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước. 30 đơn vị đăng ký nhu cầu cần bán các sản phẩm hàng hóa như bún khô, phở khô, nấm, nước mắm truyền thống, bánh tráng, bánh ít, chả ram tôm đất, rượu bầu đá, rượu vang, mật ong, mứt trái cây, dứa, bưởi, rau hữu cơ, trà thảo mộc, bột ngũ cốc, cà phê, dầu dừa, tinh dầu tràm. 100 doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý, nhà thuốc, spa, cửa hàng nông sản, nhà hàng… có nhu cầu thu mua nông sản của người dân ở xã An Toàn.
Các sản phẩm tiêu biểu của đồng bào được trưng bày, giới thiệu tới nhiều du khách |
Dịp này, Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều dự kiến triển khai xây dựng tại Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Hợp tác xã tổ chức tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (dân tộc Bana và H’re) và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương.
Các đại biểu cắt băng khai trương mô hình thương mại hai chiều tại HTX nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn. |
Hợp tác xã mở quầy bán các sản phẩm của 20 thành viên tại huyện An Lão và hoàn thiện các bộ thiết kế, gian hàng trưng bày, bảng biển, tài liệu, tờ rơi, kênh truyền thông website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hợp tác xã xác định danh sách các sản phẩm tiềm năng của cả địa phương để đưa vào bày bán tại điểm mô hình thương mại hai chiều; lựa chọn và trồng thử nghiệm được một số loại nông sản, dược liệu phù hợp để triển khai chuyển giao cho các hộ thành viên và hộ liên kết.
Đồng bào các dân tộc được hướng dẫn giới thiệu về cách thức quảng bá thương hiệu sản phẩm |
Sở Công Thương tổ chức hỗ trợ trực tiếp quảng cáo, trang thiết bị trưng bày và bảo quản thu mua nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng website bán hàng, phần mềm quản lý bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
Trước đó, nhằm quảng bá, tiêu thụ nông sản, trong đó có vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, ngày 19/5 vừa qua, Sở Công Thương Bình Định cũng tổ chức Hội nghị kết nối thu mua giữa các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể với các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Được biết, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 200 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 189 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm, thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng. Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở sản xuất trình bày năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa chất lượng cho các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể trong tỉnh như: Bún, phở, bánh canh, rau củ quả, rượu, ngũ cốc, trà, bánh tráng đóng gói các loại; nước mắm truyền thống; chả ram tôm đất, chả cá...
Các hội nghị được tổ chức là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu biểu của tỉnh Bình Định đẩy mạnh giao thương, cung cấp nhu yếu phẩm, sản phẩm nông sản địa phương, phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, lưu thông sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể trong tỉnh, từng bước góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi tiêu thụ nông sản bền vững.